Nghề chiếu làng Xuân Dục

Xuân Dục Làng nghề

Từ ngàn xưa, tiền nhân ta đã đúc kết: “Ruộng tứ bề không bằng nghề trong tay”. Cha ông để lại cho chúng ta một nghề, tuy không cao sang, nhưng nó đã giúp cho bao người có công ăn việc làm ổn định cho tất cả mọi người trong gia đình và nhất là không làm ô nhiễm môi trường, đó là nghề làm chiếu. Năm 2012, tỉnh Nam Định đã tôn vinh nghề làm chiếu Xuân Dục thành “Làng nghề truyền thống”. Xin được trân trọng giới thiệu đôi nét về nghề Chiếu Xuân Dục.

Nghề dệt chiếu XUân Dục

Nghề chiếu làng Xuân Dục được công nhận là làng nghề thủ công truyền thống

Ngày xưa, bà con trong làng chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Nhưng rồi nhận thấy, làm nông nghiệp cũng chỉ bận rộn những lúc thời vụ, khi hết thời vụ không có công việc gì làm để thu nhập. Ở Trà Lũ – Phú Nhai, có nghề làm chiếu. Người Phú Nhai xuống lập ấp ở Phú Hải nay thuộc xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, đem nghề dệt chiếu xuống rồi mượn người Xuân Dục xuống làm chiếu khoán. Về sau bà con Xuân Dục quen nghề, đưa về làng sản xuất kể từ năm 1911 (năm Tân Hợi), sau đó phát triển rộng khắp trong làng. Có lẽ Xuân Dục có nghề làm chiếu từ đây. 

Cói dùng để làm chiếu thường mua ở Bạch Long – Giao Thuỷ, Kim Sơn – Phát Diệm, Phú Lễ và Phú Hải – Hải Hậu. Những năm gần đây, khi giáp hạt, các vùng cói không còn, nhiều người vào tận miền Nam qua Sài gòn mấy trăm cây số để mua cái rồi xếp vào công tang, đưa xuống tàu thủy, vận chuyển về Cảng Hải Phòng. Từ đó vận chuyển bằng ô tô đưa về làng, mỗi công-te-nơ khoảng 20 tấn cói. 

Đay thì mua ở chợ Ấp của bà con các làng lân cận như Giáp Tư, Hải Thắng Giáp Nam, Ninh Cường, Quần Lạc đem đến. 

Chiếu Xuân Dục đã phát triển qua thời gian, ngày càng làm có kỹ thuật, nên vào thập niên 30-40 thế kỷ 20, một công ty người Pháp đặt mua chiếu của làng. Nhưng cói phải nhuộm, chiếu nổi lên ô màu xanh, vàng, đỏ, tím khác nhau. Chiếu làm phải đúng mẫu mã, nếu không đúng mẫu mã sẽ bị trả lại ngay. Thời kỳ đó, nhiều ông đứng làm đại lý chiếu cói, làm ăn rất phát đạt, bà con trong giáo xứ cũng tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ đó mà đời sống bà con được khá lên, nghề chiếu cũng có cơ hội phát triển hơn. Trước đây phải đi làm chiếu mướn, nay lại mượn người nơi khác về làm. 

Đến khi bùng nổ đại chiến thế giới thứ hai, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương vào năm 1942, công ty không thu mua chiếu của bà con nữa, khiến kinh tế của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Đến thời kỳ bao cấp, bà con làm chiếu ăn điểm, mỗi lá lấy mấy điểm tuỳ loại. Từ sau nghị quyết cải cách đổi mới năm 1986, nhà nước chuyển sang cơ chế thị trường, việc làm chiếu, việc buôn bán chiếu có phần dễ dàng hơn. Cũng trong thời kỳ này, chiếu Xuân Dục đã có tiếng trong và ngoài vùng nên đã xuất đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội, Sài Gòn… Chiếu Xuân Dục đã được làm quà biếu các vị lãnh đạo cao cấp, được giới thiệu tại nhiều hội nghị lớn của tỉnh, huyện và cả trung ương, được ban tổ chức giỗ tổ Đền Hùng Phú Thọ mua để giải những nơi trang trọng trong nhiều dịp giỗ 

Thời kỳ gần đây, nghề chiếu đang dần tiếp xúc với công nghệ mới, một số loại máy làm chiếu trong nước và của Trung Quốc đã sản xuất ra, và được một vài bà con Xuân Dục đưa về kinh doanh. Mỗi chiếc máy làm ra mỗi ngày khoảng 80 lá chiếu, tiêu thụ khoảng 200 kg cói. Máy làm chiếu có tính ưu việt là nhanh, đỡ sức lao động, giá thành hạ, nhưng không ra được những sản phẩm đẹp. 

Với việc đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống cũng như nhằm quảng bá hình ảnh của làng Xuân Dục đến với nhiều người, năm 2012, tỉnh Nam Định kỷ niệm 750 năm thành lập phủ Thiên Trường, tỉnh đã cùng với Bộ công thương mở Hội chợ các ngành nghề thủ công ở thành phố Nam Định, bao gồm các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Xuân Dục đã đưa chiếu lên triển lãm và nhận được nhiều lời khen ngợi, cũng như sự chú ý của khách thập phương. Vì thế Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã cấp bằng “Làng nghề thủ công truyền thống” cho làng Xuân Dục. 

  Từ khi có nghề làm chiếu, bộ mặt kinh tế của làng không ngừng thay đổi. Chiếu đã góp phần không nhỏ trong đời sống kinh tế của bà con Xuân Dục, góp phần làm cho nền kinh tế Xuân Dục trở nên năng động và đa dạng hơn.

Bài tiếp theo:

Tin Giáo Xứ

Tin Gp. Bùi Chu

Tin Giáo hội Việt Nam

Tin Giáo hội Hoàn Vũ

Tin Tức Cập Nhật