Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II – Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48)

“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện
thế mà các ngươi đã biến thành
sào huyệt của bọn cướp”.
(Lc 19,46)

BÀI ĐỌC I (năm II): Kh 10, 8-11

“Tôi cầm lấy cuốn sách mà nuốt”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nghe có tiếng từ trời phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trên tay thiên thần đứng trên biển và trên đất”. Tôi liền đến xin thiên thần trao cho tôi cuốn sách ấy và người nói với tôi: “Ngươi hãy cầm lấy sách mà nuốt đi; nó sẽ làm cho ruột gan ngươi đầy cay đắng, nhưng miệng ngươi lại cảm thấy ngọt ngào như mật”. Tôi cầm lấy cuốn sách từ tay thiên thần mà nuốt; miệng tôi cảm thấy ngọt ngào như mật, nhưng khi tôi đã nuốt rồi thì nó làm cho ruột gan tôi đầy cay đắng. Bấy giờ tiếng lại phán cùng tôi rằng: “Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua chúa nữa”.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131

Ðáp: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con (c. 103a).

Xướng: Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang. 

Xướng: Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con. 

Xướng: Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. 

Xướng: Những lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con. 

Xướng: Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời, vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ.

Xướng: Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài.

 

Tin mừng: Lc 19,45-48

45Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán 46và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”

47Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. 48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tâm hồn là Đền Thờ Thiên Chúa ngự, nên phải giữ gìn thật trong sáng, không bị hoen ố bởi dục vọng xấu xa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vào đền thờ Giêrusalem và chứng kiến cảnh hỗn độn buôn bán ồn ào. Chúa đã không để nhà Chúa biến thành sào huyệt của bọn cướp, là các tay buôn và giới lãnh đạo đương thời. Chúa quả quyết: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện”, và Chúa đuổi tất cả những kẻ buôn bán khỏi đền thờ. Việc Chúa làm cho con hiểu rằng những gì dành cho Thiên Chúa phải xứng đáng với Thiên Chúa.

Hôm nay, Chúa đến với tâm hồn con như một ngôi đền thánh trọn vẹn đầy vẻ tôn nghiêm và thánh thiện. Con hiểu đó là điều Chúa mong muốn và chờ đợi. Nhưng lạy Chúa, con đã làm được gì trước lòng mong đợi của Chúa ? Xin ban cho con lòng yêu mến tôn thờ để con dành phần tốt nhất trong cõi lòng dâng lên Chúa. Chúa biết con hơn chính bản thân con, nhưng xin Chúa nhân từ thứ tha khi con muốn mà không làm được. Xin giúp con sửa lại cõi lòng khi con cầu nguyện tôn vinh Chúa. Xin đừng để con tính toán cầu lợi và mặc cả với Chúa trong những lời cầu xin. Và xin hâm nóng tấm linh hồn bé bỏng những khi con nguội lạnh, chán chường. Ước mong tâm hồn con được sống động và dạt dào tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lạy Chúa, mỗi ngày giờ, từng phút giây đang có biết bao tâm hồn vươn cao hướng về Chúa. Con hợp lời xin chúc tụng Chúa. Nhưng cũng có bao kẻ thờ ơ, lãnh đạm hoặc bôi bác, lợi dụng với lời cầu xin. Xin Chúa thanh luyện để chúng con giữ được đền thánh phúc vinh trong tâm hồn. Con xin dâng tâm hồn con trong tay Chúa, xin thánh hoá con. Amen.

Ghi nhớ: “Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Ðền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do thái. Ngay từ lúc được vua Salomon xây cất khoảng năm 950 (trước công nguyên), Đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giêrusalem, Chúa Giêsu vào Ðền thờ và theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, Ngài thực hiện việc thanh tẩy Ðền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Ðền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.

Ðền thờ là nơi cầu nguyện, nhưng đã bị trần tục hóa, bị con người biến thành hang trộm cướp, nơi lường gạt nhau; đây là một sự xuống dốc tinh thần không thể nào chấp nhận được. Trong biến cố đuổi con buôn ra khỏi Ðền thờ, tác giả Luca xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa Giêsu hằng ngày đến giảng dạy tại Ðền thờ và có nhiều người chăm chú lắng nghe Ngài. Như thế, Luca nhấn mạnh đến dung mạo trung tâm của Chúa Giêsu tại Ðền thờ thay thế các luật sĩ và tư tế; giai đoạn mới đã đến, đó là giai đoạn mà theo trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đã loan báo cho người phụ nữ Samari nơi bờ giếng Giacop: “Ðã đến lúc những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế.” Sự thật đó được mạc khải nơi Chúa Giêsu, và thần khí đó là thần khí của Chúa Giêsu được ban xuống tràn đầy cho các môn đệ.

Qua cử chỉ thanh tẩy Ðền thờ khỏi sự lạm dụng của những người Do thái thời đó và hằng ngày giảng dạy tại Ðền thờ, Chúa Giêsu nói lên cho mọi người biết giai đoạn mới đã bắt đầu: Ðền thờ xét như một tòa nhà, bàn thờ, những lễ vật có giá trị, nhưng tự chúng chưa đủ, cần phải có một yếu tố quan trọng khác nữa để hoàn thành việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống, đó là đức tin cá nhân của người đến Ðền thờ dâng lễ vật và đức tin của cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa. Nếu đến Ðền thờ mà không có đức tin và không sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa, thì con người sẽ dễ lạm dụng và bị lôi kéo theo sự lạm dụng của người khác.

Những gì xảy ra cho dân Do thái ngày xưa cũng có thể xảy đến cho các môn đệ của Chúa trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta có thể tự vấn: Ðền thờ có là nơi cầu nguyện, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và củng cố đức tin, hay đã bị lôi cuốn vào cám dỗ của tinh thần thế tục ?

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ (Lc 19,45-48)

  1. Đức Giêsu được sai đến để chu toàn sứ mạng: phụng sự Thiên Chúa Cha và dạy cho người ta cũng tôn thờ Thiên Chúa cách xứng đáng. Việc đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ cho thấy Chúa muốn người ta phải thay đổi thái độ thờ phượng và phải tôn trọng Đền thờ. Hành động của Đức Giêsu gồm có hai khía cạnh:

a) Loại khỏi Đền thờ những gì đi lệch khỏi mục đích của nó. Việc buôn bán trong Đền thờ đã biến “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” trở thành “sào huyệt của bọn cướp”, cho nên Đức Giêsu đã đánh đuổi những người buôn bán trong đó.

b) Trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó “Hằng ngày Ngài giảng dạy trong Đền thờ”.

  1. Đền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do thái. Ngay lúc được vua Salômôn xây cất khoảng năm 950 (trước Công nguyên), đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giêrusalem, Đức Giêsu vào Đền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Đền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.
  2. Hôm nay Tin mừng cho thấy: Đức Giêsu nổi nóng và đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ, vì họ đã sử dụng sai mục đích của nơi thờ phượng. Vì thế. Đức Giêsu nói: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn trộm cắp”. Khi đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ, Đức Giêsu đã thánh hiến Đền thờ và trả lại cho nó ý nghĩa nguyên tuyền là nơi thờ phượng Thiên Chúa, chứ không phải là chốn trục lợi, kinh doanh, trao đổi, buôn bán…
  3. Lời khiển trách của Đức Giêsu nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng của Đền thờ vì đó chính là nhà Chúa, là nhà cầu nguyện nơi Chúa thực sự hiện diện và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa trách cứ vì lòng yêu mến con cái Người, vì muốn chúng ta sửa đổi để trở nên trong sạch, thánh thiện hơn trong sự thờ phượng Người. Chúa giảng dạy trong Đền thờ mỗi ngày và dân chúng say mê lắng nghe lời Người với trái tim rộng mở và đơn sơ, và tiếp nhận từ nơi Người tất cả sự ngọt ngào, bình an và ánh sáng đức tin đến độ không muốn rời bỏ Người (Mỗi ngày một tin vui).
  4. Hitler được kể tên trong số những nhà hùng biện hàng đầu của nhân loại, lời nói của ông có một uy lực huyền bí có sức thu hút quần chúng tin theo đường lối của ông; thế nhưng ông đã dùng năng lực đó để xô đẩy cả thế giới vào một cuộc chiến tranh huỷ diệt tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Thật trái ngược hẳn với Đức Giêsu; Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, nhưng Ngài không rao giảng sự thù hận giết chóc; sứ điệp của Ngài là tình thương. Lời Ngài tiễu trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, khơi dậy hy vọng cho người thất vọng. Lời Ngài làm cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin mừng”(Lc 7,22). Lời Ngài thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc, đánh động tâm hồn, thúc bách người ta hoán cải. Vì thế “toàn dân say mê nghe lời Người” (5 phút Lời Chúa).
  5. Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cách đặc biệt qua các cử hành phụng vụ, và là không gian thích hợp nhất cho việc cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa. Đức Giêsu đã từng nói: “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Nghĩa là Ngài muốn ám chỉ về thân xác của Ngài bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh. Và cũng từ những chứng từ này, thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Côrintô đã nói: “Nào anh em chẳng biết rằng: anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Vậy ai phá huỷ Đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền thờ ấy chính là anh em”. Như vậy, chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, và hằng ngày khi làm dấu Thánh giá, chúng ta vẫn tuyên xưng điều đó (Hiền Lâm).
  6. Truyện: Nhà thờ để làm gì ?

Hay tin một linh mục mới vừa được đổi đến để thay cho cha xứ cũ về hưu, lại được biết linh mục mới này giảng rất hay, người ta đến nhà thờ dự lễ rất đông. Nhưng lần đầu tiên xuất hiện trước giáo dân trong xứ, vị linh mục mới cố tình ra mắt họ với bộ mặt rất xấu xí. Bởi đó, khi vừa thấy mặt cha, một số người đã thất vọng lui ra cửa. Vị Linh mục bình thản giơ tay làm dấu bảo im lặng, rồi tuyên bố: “Hôm nay ai đến đây để nhìn mặt Cha xứ mới và để nghe cha xứ mới giảng thì có thể về nhà; còn ai đến đây để thờ phượng Chúa thì hãy ở lại” (Chritian Beacon).

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Trong Cựu ước, đền thờ được dành riêng đặc biệt cho Thiên Chúa. Thiên Chúa thường áp dụng những hình phạt rất nặng đối với những ai phạm đến đền thờ. Hai đứa con trai của thầy cả Hêli, vì không chịu sống nghiêm trang xứng đáng trong đền thờ, đã bị Chúa phạt nặng.

Trong Tân ước, ngày kia vào đền thờ, Chúa Giêsu nổi giận vì thấy một số người tổ chức buôn bán và đổi tiền. Ngài thịnh nộ, đuổi họ ra hết, và tuyên bố nhà Chúa là nhà cầu nguyện, chứ không phải là hang trộm cướp.

Suy niệm

Đức Giêsu nhìn thấy đền thờ, nhà Cha, nơi cầu nguyện trở nên địa điểm phường của buôn bán, Ngài bừng bừng nổi giận. Sự kiện thanh tẩy đền thờ, được cả bốn Tin Mừng ghi nhận (x. Mc 11,15-19; Mt 21,12-17; Lc 19,45-48; Ga 2,13-25).

Dân chúng buôn bán, lạm dụng đền thờ của Thiên Chúa nên đã làm ô uế đền thờ như ngôn sứ Giêrêmia đã nhìn thấy trước và tư vấn: “Phải chăng các ngươi coi nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, là hang trộm cướp sao ?” (Gr 7,11). Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ và thực hiện lời loan báo của ngôn sứ Dacaria: “Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (Dcr 14,21), khi “Người xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Đền Thờ, nhà Chúa Cha phải được thanh tẩy xứng đáng để trả lại đúng vẻ nguyên tuyền của đền thờ. Ngài đưa về sự thánh thiện đạo thật, đền thờ thật như Chúa phán qua ngôn sứ Isaia: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân” (Is 56,7).

Thật thế, như Chúa Giêsu dạy đường đi của đạo là yêu thương, đền thờ là nơi đón tiếp anh chị em tín hữu, không phân biệt màu da chủng tộc.

Xin Chúa tiếp tục thanh tẩy các ngôi thánh đường – nhà Chúa, nhà chung, thành nhà yêu thương đùm bọc lẫn nhau và xứng đáng để dâng lễ tế: Đền thờ Thiên Chúa sẽ loại bỏ tất cả các lễ hy sinh thú vật để thay thế bằng lễ dâng tinh tuyền bằng tình yêu thương như Chúa đã phán qua lời ngôn sứ Hôsê: “Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ” (Hs 6,6).

Ý lực sống

“Làm sao đền thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được ? Vì chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, như lời Người phán: Ta sẽ đến cư ngụ và đi đi lại lại giữa họ. Ta sẽ là Thiên Chúa của họ, và họ sẽ là dân riêng của Ta” (2Cr 6,16).

Tin Giáo Xứ

Tin Gp. Bùi Chu

Tin Giáo hội Việt Nam

Tin Giáo hội Hoàn Vũ