Bài giảng trong Thánh lễ Truyền Dầu 17.4.2025 tại Sài Gòn

TGPSG — Dưới đây là toàn thể Bài giảng của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trong Thánh lễ Truyền Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngày 17.4.2025, tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn.

Hôm nay, chúng ta quy tụ nơi đây để cử hành Thánh lễ Truyền Dầu, cũng là để tạ ơn Chúa về chức tư tế Chúa đã ban cho Hội Thánh.

Khi nói tới chức tư tế thì có lẽ rất nhiều người nghĩ tới các linh mục với chức tư tế thừa tác. Và quả thật, anh em linh mục hôm nay quy tụ về Nhà thờ Chính tòa rất đông. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng Chúa ban chức tư tế cho toàn thể Hội Thánh. Hội Thánh là dân tư tế. Dân tư tế là dân được xức dầu bằng Thánh Thần để được tách riêng ra. Hội Thánh được tách riêng ra, Hội Thánh được ban cho những ân sủng đặc biệt. Để làm gì? Để được sai đi. Sai đi đến với tất cả mọi người.

Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta thấy chúng ta được sai đến với những người trong các hoàn cảnh khó khăn: những người nghèo, những người đau khổ, những người bệnh tật, những người bị áp bức, những người tù, những người mù, v.v… Ngày xưa là thế, và ngày nay, chúng ta thấy thế giới vẫn là thế giới của người nghèo, của biết bao nhiêu người đau khổ: nạn nhân chiến tranh, rồi bao nhiêu người phải di cư, bao nhiêu người sống trong cảnh lầm than, đói khổ – đau khổ trong tâm hồn, đau khổ trong thể xác, những người bị bỏ rơi, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người sống dưới những chế độ bất công…

Thưa anh chị em, thế giới của chúng ta vẫn luôn là như thế. Cho nên, Lời Chúa mà chúng ta nghe hôm nay vẫn luôn còn có ý nghĩa với chúng ta, với toàn thể Hội Thánh. Chúng ta là dân Thiên Chúa, được tách riêng để Chúa sai chúng ta đi đến với tất cả anh chị em chúng ta – những người đau khổ thể xác, những người nghèo về tâm hồn, những người chưa biết Chúa, những người rời xa Chúa, những người sống trong hoàn cảnh tội lỗi, đau khổ trong tâm hồn…

Thưa anh chị em, Dân Chúa phải trở thành niềm hy vọng cho thế giới này. Chúng ta đang sống trong Năm Thánh Hy Vọng. Tất cả chúng ta ngồi đây, là dân tư tế, chúng ta đem lại niềm hy vọng cho nhân loại. Mỗi một người chúng ta phải làm điều gì đó trong Năm Thánh này, cũng như trong suốt cuộc đời chúng ta, để đáp ứng niềm kỳ vọng của thế giới. Tất cả chúng ta phải trở thành chứng nhân của niềm hy vọng.

Tuy nhiên, hôm nay là ngày chúng ta đặc biệt nhớ tới việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Truyền Chức Thánh, chức tư tế thừa tác, mà Chúa đã tuyển chọn để ban cho các anh em linh mục và giám mục chúng tôi đây. Xin anh chị em cùng với chúng tôi tạ ơn Chúa. Và anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi.

Quả thật, chức tư tế thừa tác rất cần thiết trong Hội Thánh Chúa. Trong những hoàn cảnh trước đây, có nhiều nơi sống trong thời kỳ cấm cách, bách hại, không có linh mục. Nhiều cộng đoàn không có linh mục; ngày Chúa nhật người ta họp nhau lại, cũng đọc Lời Chúa, cũng đọc kinh. Rồi người ta cũng mở Sách lễ ra, cũng đọc tất cả các phần trong thánh lễ. Nhưng bởi vì không có linh mục, nên họ đặt một dây Stola ở trên bàn thờ, và họ đọc các phần trong thánh lễ. Rồi tới phần truyền phép, họ ngừng lại. Ngừng lại bởi vì họ không được phép đọc. Họ cảm thấy thiếu cái gì đó, không làm nên thánh lễ được. Rồi sau đó họ lại tiếp tục đọc các lời nguyện khác.

Quả thật, anh em linh mục thân mến, chúng ta được tuyển chọn để phục vụ Dân Chúa. Chính vì đoàn dân Chúa đây mà mới có chúng ta. Chúng ta được mời gọi, được thánh hiến để chúng ta phục vụ Dân Chúa. Và chúng ta đem lại niềm hy vọng cho Dân Chúa. Mà để có thể đem lại niềm hy vọng cho Dân Chúa, chúng ta cũng phải giữ lấy niềm hy vọng ở trong chúng ta.

Tác giả Thư Do Thái nói: “Anh em hãy giữ lấy niềm hy vọng đã được ban cho anh em.” Quả thật, chức linh mục rất là cao quý. Nhưng chúng ta giữ kho tàng cao quý trong những chiếc bình sành. Thân phận chúng ta yếu đuối lắm, hèn kém lắm, giới hạn lắm. Chúng ta ý thức như vậy. Rồi nhất là sau một thời gian phục vụ, có thể chúng ta mệt mỏi, chúng ta nhàm chán, chúng ta cảm thấy thất bại, chúng ta rút lui vào trong cái vỏ sò của chúng ta. Chúng ta đã đánh mất niềm hy vọng đó rồi. Cho nên, trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, tôi muốn mời gọi anh em, chúng ta hãy cùng nhau khơi dậy niềm hy vọng đó. Hãy giữ niềm hy vọng đã được trao tặng cho anh em. Chúng ta làm sống dậy cái niềm hy vọng bằng cách nào?

Trước hết, hãy giữ niềm hy vọng bằng cách ý thức lại việc chúng ta đã được xức dầu bằng Thánh Thần. Ngày anh em thụ phong linh mục, Đức Giám mục chỉ xoa dầu trên đôi tay anh em thôi. Nhưng đó là biểu tượng của một việc khác: chính Chúa Thánh Thần ngự xuống đầy tràn trên anh em. Vị giám mục đặt tay trên đầu anh em, cho dù không bôi dầu vật chất, nhưng chính lúc đó, con người chúng ta được xức dầu bằng Thánh Thần. Xin gợi lên cho quý cha mấy điều để suy nghĩ.

Thứ nhất, nhờ được xức dầu bằng Thánh Thần như vậy, con người chúng ta được hoan lạc cũng như Chúa Giêsu ngày xưa, đầy hoan lạc trong Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đến trong chúng ta và làm cho sứ vụ chúng ta, làm cho con người chúng ta đầy hoan lạc, đầy niềm vui, đầy sự phấn khởi.

Mà không có Thánh Thần thì sẽ mất hết tất cả. Thượng phụ Athenagoras nói: “Không có Thánh Thần là mất hết”. Không có Thánh Thần thì Thiên Chúa là Đấng “xa mất hút”. Không có Thánh Thần thì Chúa Giêsu trở thành một nhân vật lịch sử của quá khứ thôi. Không có Thánh Thần thì Lời Chúa chỉ là những chữ viết thôi, chỉ là bộ sách cổ cách đây hai – ba ngàn năm. Nếu không có Thánh Thần thì lời rao giảng của chúng ta, công việc truyền giáo của chúng ta chỉ là đi tuyên truyền, quảng cáo thôi, không còn phải là chia sẻ sự sống. Không có Thánh Thần thì Giáo hội chỉ là một cơ chế, một tổ chức thôi, với đủ mọi thứ guồng máy trong đó. Rồi chức linh mục cũng vậy. Không có Thánh Thần, chúng ta cử hành bí tích thì nghi thức trở thành phù phép, rồi luật lệ trở thành một cái gì đó gò bó. Nó làm cho chúng ta trở nên nô lệ. Chúng ta cần phải có Thánh Thần.

Mà quả thật, đọc lại Phúc Âm, chúng ta thấy các Thánh Tông đồ ở bên Chúa Giêsu, mà vì thiếu Thánh Thần, cho nên kết quả là gì? Kết quả là ông Phêrô cuối cùng chối Chúa, ông Giuđa phản bội, 12 tông đồ cho tới bữa Tiệc Ly vẫn còn đang cãi nhau, tranh chấp nhau chỗ nhất chỗ nhì, rồi sau đó chạy trốn hết khi Chúa chịu khổ hình.

Thưa anh em, không có Thánh Thần thì như vậy đó. Cho nên, chúng ta cần phải có Thánh Thần. Đã được xức dầu bằng Thánh Thần, hôm nay chúng ta cần làm sống dậy ơn Thánh Thần nơi chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần, trước hết chúng ta sẽ được đầy Chúa, đầy niềm vui của Tin Mừng. Cuộc đời chúng ta hoan lạc lắm. Chúng ta đón nhận Chúa, đón nhận Tin Mừng của Chúa với niềm vui, với sự phấn khởi. Và khi đó, thì giống như Thánh Phaolô, chúng ta cảm thấy vui sướng, hân hoan, bởi vì chúng ta được chọn Chúa là gia nghiệp của cuộc đời chúng ta. Và chúng ta coi tất cả mọi sự khác đều là rác rưởi hết.

Có Thánh Thần thì chúng ta sẽ tìm Chúa Giêsu như là một mối lợi lớn lao nhất trong cuộc đời chúng ta. Còn không có Thánh Thần, mình sẽ đi tìm những thứ rác rưởi, mình cảm thấy vui thú với những niềm vui nhỏ bé, giả tạo, hời hợt. Và cuối cùng, chính niềm vui nhỏ bé, giả tạo, hời hợt của thế gian này sẽ ràng buộc chúng ta, làm cho đời sống chúng ta mất đi lý tưởng. Rồi cuối cùng là ê chề và chán chường trong cuộc đời linh mục của mình.

Cho nên, phải gạt bỏ tất cả các thứ rác rưởi ra, để chọn Chúa làm lẽ sống, là niềm vui. Nếu thiếu niềm vui Tin Mừng này, chúng ta chẳng còn nhiệt tình để dấn thân phục vụ. Tất cả chỉ là gò bó, chỉ là luật lệ thôi, mất sự hứng khởi của Tin Mừng. Chúng ta trở nên những người ù lì, thụ động, não trạng công chức, làm cho xong, làm những gì tối thiểu thôi, thiếu hứng khởi ở bên trong.

Chính vì thế, chúng ta xin Chúa Thánh Thần đến trong chúng ta, thổi lên ngọn lửa tình yêu trong lòng chúng ta, để chúng ta nhiệt tình trong sứ vụ của mình.

Chúa Thánh Thần được ví như cuồng phong, đến với nhà Tiệc Ly hôm nay ở đây. Các Tông đồ cũng đang ở đây, cùng chúng ta cử hành Thánh Thể. Xin Chúa Thánh Thần như cuồng phong thổi vào nhà chúng ta, thổi vào linh hồn chúng ta. Mà khi cuồng phong thổi vào thì nó làm đảo lộn hết tất cả. Chúng ta sẽ có được hứng khởi, để phục vụ anh em chúng ta.

Và quả thật, khi có Chúa Thánh Thần rồi thì các Tông đồ hăng say, lăn xả đi các nơi, không sợ bất cứ một điều gì – cấm cách, gian khổ, bách hại, lặn lội xa xôi, thiếu thốn – các ngài không nề quản bất cứ điều gì. Niềm vui Tin Mừng đầy trong lòng, trào ra bên ngoài. Và xem ra càng bị bách hại, càng khó khăn thì lại càng tạo hứng cho các Tông đồ dấn thân nhiều hơn. Bởi Thánh Thần làm.

Khi chúng ta có Chúa Thánh Thần thì Ngài sẽ là Đấng an ủi. Sự an ủi thiêng liêng là niềm hoan lạc cho chúng ta.

Chúng ta phải công nhận rằng cuộc đời sứ vụ của chúng ta đâu có dễ dàng gì: gặp bao nhiêu khó khăn, thử thách, hiểu lầm và cả đối kháng nữa. Nếu không có Thánh Thần, chúng ta sẽ mệt mỏi lắm và cảm thấy muốn buông xuôi. Chúng ta cảm thấy mình cô đơn. Nhưng mà không! Chúng ta được xức dầu Thánh Thần. Thánh Thần làm cho chúng ta được an ủi thiêng liêng trong tâm hồn, để chúng ta có khả năng ôm ấp tất cả mọi người, không loại trừ một ai, ngay cả những người gọi là kẻ thù chăng nữa, chúng ta vẫn có khả năng để ôm ấp tất cả.

Chúng ta sẽ có trái tim nhân hậu của Chúa để đi tìm những con chiên lạc. Khi có ngọn lửa yêu thương của Thánh Thần, chúng ta sẽ không đòi nhổ cỏ lùng đi đâu! Cỏ lùng, chúng ta kiên nhẫn chấp nhận nó hiện diện ở đó. Nhưng nếu không có Thánh Thần thì chúng ta cứ đòi nhổ cỏ lùng đi. Cho nên anh em đừng để cho mình bị căng thẳng vì những khó khăn, những trái ý, những sự chống đối, những thử thách… Có Chúa Thánh Thần là niềm an ủi của chúng ta, như chúng ta vẫn đọc kinh: “Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành… “

Ngoài Chúa Thánh Thần ra, chúng ta cũng còn sự trợ lực khác nữa để khơi dậy niềm hy vọng của mình. Đó là Bí tích Thánh Thể. Chúng ta được phong chức để cử hành Thánh Thể. Và chức linh mục phát xuất từ Thánh Thể. Khi Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể thì đồng thời, Chúa cũng mời gọi chúng ta, thiết lập chúng ta, để chúng ta “làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúng ta có được là để cử hành Thánh Thể. Vậy thì mỗi một ngày, khi cử hành Thánh lễ, anh em hãy làm sống dậy, làm tươi mới hồng ân linh mục của mình.

Quả thật, chúng ta được Chúa thánh hiến và trao cho một nhiệm vụ hết sức đặc biệt, độc đáo lắm. Chúng ta được đồng hóa với Chúa. Ai mà dám cầm lấy miếng bánh mà bảo: “Đây là mình Thầy. Đây là chén máu của Thầy.” Ai dám liều như vậy? Nhưng mà Chúa cho chúng ta. Chúng ta được đồng hóa với Chúa.

Bản dịch tiếng Việt dịch là: “Này là Mình Thầy. Này là Chén Máu Thầy.” Chữ “Thầy” đó là để tôn trọng Chúa Giêsu. Nhưng nó cũng có nguy cơ khiến chúng ta có cảm tưởng như mình đang đọc dùm Chúa. Nhưng ở đây không phải chỉ là đọc dùm. Chúng ta đã được thánh hiến bằng Thánh Thần rồi, chúng ta được đặt vào trong tư thế của Chúa Giêsu để chúng ta đọc: “Đây là mình Tôi!” Tất cả các ngôn ngữ khác đều là hiểu là “Tôi” hết, “This is my body, my blood”. Tiếng Latinh cũng vậy. Mỗi lần anh em đọc như vậy, cho dù bản dịch là “Này là Mình Thầy, là Máu Thầy”, anh em hãy nhớ mình cũng đang đọc: “Này là Mình Tôi. Này là Chén Máu của Tôi trao hiến cho anh em.” Chúng ta được đặt trong tư thế của Chúa Giêsu. Cao cả lắm, thưa anh chị em! Và vì vậy, mỗi lần đọc lời này, chúng ta cảm nhận một niềm hứng khởi trong con người nội tâm của chúng ta. Ước gì Thánh lễ mỗi ngày làm cho chúng ta tăng thêm niềm hy vọng đó.

Mà không phải chỉ có Thánh lễ. Chúng ta còn có giờ chầu Thánh Thể mỗi ngày nữa. Chính giờ chầu Thánh Thể thắp lên niềm hy vọng cho chúng ta. Một ngày làm việc tông đồ, một ngày vất vả, bao nhiêu những niềm vui có, nỗi buồn có. Buổi chiều, buổi tối, anh em hãy dành thời giờ ra ngồi lại với Chúa Giêsu Thánh Thể. Đôi mắt chúng ta nhìn vào đôi mắt Chúa. Hãy để cho đôi mắt Chúa chạm vào đôi mắt chúng ta. Để cho đôi mắt Chúa nhìn thấu suốt cõi lòng chúng ta. Chúng ta không chạy trốn đôi mắt của Chúa được. Không trốn được!

Để lúc đó, Chúa nhìn vào thẳng vào tâm hồn chúng ta, để Chúa khích lệ chúng ta, Chúa nâng đỡ chúng ta, Chúa tái tạo chúng ta, Chúa sửa chữa con đường chúng ta đang đi. Lúc đó, Đức Kitô phục sinh, Đấng hằng sống, ở đây với tôi. Và Ngài là Thầy của tôi, là Chúa của tôi, là Bạn của tôi. Hãy dành thời giờ mỗi ngày sống với Chúa Giêsu Thánh Thể trong sự thinh lặng, để chúng ta được khơi dậy niềm hy vọng cho cuộc đời linh mục của chúng ta.

Kính thưa quý cha và toàn thể anh chị em, chúng ta tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho Hội Thánh có các linh mục thừa tác. Và Chúa cũng đặt anh chị em làm những tư tế, tham dự vào chức tư tế của Chúa. Ước gì chúng ta luôn luôn ý thức mình đã được xức dầu bằng Thánh Thần, để chúng ta nhớ rằng: chúng ta có sứ vụ đem niềm hy vọng đến cho anh chị em của chúng ta. Và anh chị em hãy cầu nguyện đặc biệt cho các cha, để các cha luôn luôn giữ vững cái niềm hy vọng. Niềm hy vọng tươi sáng. Niềm hy vọng mạnh mẽ trong cuộc đời của các cha. Để các cha phục vụ Hội Thánh, phục vụ chúng ta. Amen.

Tin Giáo Xứ

Tin Gp. Bùi Chu

Tin Giáo hội Việt Nam

Tin Giáo hội Hoàn Vũ