5. Biến cố năm Ất Dậu 1945

 

Năm Giáp Thân ( 1944), vụ mùa năm ấy khi lúa trỗ, bị trời mưa 4-5 ngày liền, lúa không phơi màu được nên bị lép nhiều, bình thường mỗi sào thu được 100kg, nay chỉ được 20-30 kg sào, rồi có thóc mà không có gạo, 10 kg thóc xay giã chỉ được 2-3 kg gạo. Chỉ có lúa cấy dài ngày trỗ sau thì khá, như lúa tám, lúa nếp, nhưng tỷ lệ tám nếp thì quá ít. Diện tích bị mất mùa kể trên trải khắp các tỉnh Châu Thổ Sông Hồng, nhưng bị mất nhiều nhất là 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình, 2 tỉnh thuần nông và đông dân. Thấy cảnh mất mùa, nhiều người đã bỏ quê hương đi kiếm sống, nhưng vì chiến tranh, giao thông tắc nghẽn, biết đi đâu?. Nhật -Pháp thì còn mải đánh nhau, đâu có nghĩ đến dân mình đói khổ bi đát.

Ngay từ tết Nguyên Đán 1945, nhiều gia đình đã không có cơm ăn, đồng ruộng thì cày bừa qua loa để cắm cây lúa xuống. Bắt đầu từ cuối tháng giêng đã có người chết đói. Ai lấy cố tìm cách kiếm ăn để duy trì sự sống cho mình. Thật là gạo châu củi quế, trước còn rau cháo rồi đến rau má, củ chuối cũng không còn mà ăn. Khốc liệt nhất là tháng 3 tháng 4 âm lịch, người chết trước còn lấy cánh cửa làm hậu sự, rồi đâu còn cánh cửa, đâu còn có người khiêng, sau toàn bó chiếu: chiếu cuộn vào, chẻ vài lạt tre buộc vào, xỏ đòn hai người khiêng vùi lấp qua loa. Ban đầu còn kiếm được lá chiếu dài, về sau chỉ có chiếu ngắn, đầu và chân xò ra rũ xuống thật là thảm hại. Nay người này khiêng người chết đi chôn, ngày mai đã nghe tin họ chết. Có nhà chết một lúc 2-3 người, có gia đình chết cả nhà, có họ chết gần hết thì những hàng xóm phải lo chôn cất. Ra đường nhìn nhiều người  chỉ còn da bọc xương, mặt mày hốc hác tiều tuỵ, bà con có gì mà cứu nhau đâu. Ra đến chợ rất nhiều ăn mày, song ăn mày ai? Ai có mà cho? . Hàng thóc gạo thì ít lắm, ai bán bánh đúc, bánh sắn, hàng cám thì phải thêm người bảo vệ, nếu không họ vồ lấy ấn luôn vào mồm rồi chạy, có đến đánh thì họ nuốt xuôi rồi nên mặc sức cho đánh. Ngoài chợ, đầu đình, đều có các cháu nhỏ bố mẹ bỏ ở đó, cầu mong cho có người đón cháu về nuôi, nhưng lúc đó khó có người cưu mang, vì thế các cháu cứ chết dần chết mòn nhan nhản khắp nơi ngoài chợ, đầu đình, góc điếm, vỉa hè đều có người chết. Ở các thành phố Nam Định, Hà Nội, vỉa hè nhiều người nằm chờ chết. Cứ sáng công nhân vệ sinh thành phố đưa xe đi, thấy người chết bỏ lên xe rồi đưa đi chôn, thường mỗi hố là mấy xác. Cái chết đói nó day dứt thảm thương, thật không sao kể hết, lúc đó trộm cướp nổi nên rất nhiều.

Giáo xứ ta cũng chung số phận kể trên. Khi ấy, cha Vũ Cao Đường đang coi xứ. Cứ sáng sớm, sau khi dâng lễ xong, cha đi thăm một số người, mỗi tuần một lần cha nấu cháo phát cho mỗi người lưng bát, rồi cha đâu còn gạo, mà dù lưng cháo có thấm vào đâu với cái đói lâu dài. Khi đến tháng 5, lúa chín, thì số người trong xứ chết đói đã lên đến gần nghìn người. Ôi! thật khủng khiếp. Nhiều gia đình vườn không nhà trống ” thật là tuyệt tự tuyệt tông, không còn con cháu mất trông lời cầu”.

Những người đi phiêu bạt các nơi còn sống xót, lẻ tẻ kéo về. Khi có gạo chiêm ăn, vì đói lâu ngày không ăn, từ cháo đến cơm nên bội thực mà chết. Vụ chiêm năm đó thì lại được mùa bội thu. Lúc đó còn gặt bằng hái, cắt lưng chừng cây lúa, gặt xong khoảng 10 ngày lại chồi lên, cũng giỗ với bông hạt đầy đủ, đi thu hoạch lại mỗi xào cũng được vài chục kg. Nhớ đến người chết đói mà chua xót. Trong lúc dân ta chết đói thì ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, đất nước ta lại bị Nhật cai trị. Nhật cướp chính quyền Pháp được trên 5 tháng, thì ngày 15/8/1945 Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện.

Đến ngày 2/9/1945, nhân dân ta giành được độc lập. Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, chấm dứt trên 80 năm đô hộ của người Pháp. Mọi người đều phấn khởi vui mừng nước nhà độc lập. Nhân dân xã Xuân Dục bầu ông Mai Xuân Mại ( Chương) làm chủ tịch, cụ trùm Rỵ làm trùm chánh xứ.

Đến năm 1946 cuộc sống của nhân dân đã hồi phục, cha xứ Gioan kim kêu gọi người đúc chuông nhà thờ, ai cũng nhiệt tình hưởng ứng. Lúc này, một cuộc sống mới đang dần hồi sinh trong giáo xứ.

Biến có Át Dậu đã đi qua nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại cho đến tận ngày nay. Biến cô này như là một khúc ca trầm buồn về một thời tăm tối của giáo xứ, nhưng nó cũng lại là một lời nhắc nhớ cho con cháu biết quý trọng “hạt ngọc”, quý trọng những giá trị mà bao lớp cha ông đã để lại, biết yêu và ghi nhớ về những tháng ngày lịch sử để trân trọng những điều bình dị của cuộc sống hôm nay. Xin dành bài thơ này của cha Gioan Kim Vũ Cao Đường như là áng hương trầm thắp lên để tưởng nhớ về những người con Xuân Dục đã khuất trong biến có Ất Dậu, như là một lời cầu nguyện thăm sâu. Cầu mong cho các linh hồn tiền nhân sớm được về hưởng nhan thánh Chúa.

Bài Ca ất Dậu

Nhớ năm ất dậu tháng ba

Nhiều người chết đói rất là thảm thương

Lập ra hội hiếu làm  gương

Để cho ai lấy tiện đường thông công.

Nhiều nhà tuyệt tự tuyệt tông

Không còn con cháu mất trông lời cầu

Ai ơi  hãy nhớ lấy câu

Khi sống khi chết cùng nhau nguyện cầu

Đổi thảy trong cuộc bể dâu

Chen chân kẻ trước người sau xa gần

Thương thay chết có một lần

Ngặt thay không lọt được cân công bằng

Hội nay quyết chí định rằng

Hằng năm xin lễ vốn hằng nhớ liên

Thông công ơn ích thiêng liêng

Đi viếng nghĩa địa ngày riêng linh đình

Chớ ai lờ tít làm thinh

ở ra như thể vô tình chẳng lên

Hội này tổ chức công phu

Lập lên công bản nghìn thu lâu dài

Nhớ ơn quý vị xuất tài

Để làm kỷ niệm hậu lai muôn đời

                                                                Tác Giả: Cha  Gioan kim Vũ Cao Đường

 

Bài tiếp theo:

  • 71.856