Buổi hành hương Năm Thánh của các Hội đoàn Tông đồ giáo dân Sài Gòn

TGPSG“Các điều kiện để trở thành Hội đoàn Công Giáo gồm có: Nền tảng thần học vững chắc, Hiệp thông trong Giáo Hội, Thánh hóa bản thân và Thi hành sứ vụ tông đồ.”

Đức Tổng Giám mục (ĐTGM) Giuse Nguyễn Năng đã nói về những điều này trong buổi hành hương Năm Thánh 2025 của các Hội đoàn Tông đồ giáo dân của Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGP) – diễn ra tại nhà thờ Chí Hòa vào lúc 8g thứ Năm ngày 20.02.2025.

Hiện diện trong buổi hành hương có ĐTGM Giuse, khoảng 20 linh mục linh hướng, cùng các thành viên của 32 đoàn thể tông đồ giáo dân trong các giáo xứ của TGP.

Ý NGHĨA CỦA HÀNH HƯƠNG

Vào lúc 8g30, Linh mục chánh xứ Chí Hòa Clêmentê Lê Minh Trung đã diễn giải ý nghĩa của Hành hương:

Mục đích của hành hương và sự tươi mới trong đức tin

“Hành hương là dịp để mỗi tín hữu sống lại niềm hy vọng và làm tươi mới đức tin giữa lòng Hội Thánh. Trong lịch sử Dân Chúa, việc hành hương đã có từ lâu, bắt đầu từ khi đền thờ Giêrusalem đầu tiên được xây dựng vào năm 957 trước Công nguyên. Từ đó, mỗi năm, người Do Thái hành hương đến Giêrusalem vào ba dịp lễ quan trọng: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều.

Những người hành hương đi trong niềm hăng say và vui mừng: ‘Vui dường nào khi người bảo tôi ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa. Và giờ đây Giêrusalem hỡi tới nội thành Ta đã dừng chân.’ Họ lên Đền Thánh Chúa để gặp gỡ Ngài và chiêm ngưỡng những kỳ công của Thiên Chúa. Hành hương chính là một giấc mơ mà người tín hữu luôn ấp ủ, một hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, sống lại niềm hy vọng và làm chứng cho đức tin.”

Chủ đề Năm Thánh 2025: “Những người hành hương của hy vọng”

“Năm Thánh 2025 mang chủ đề ‘Những người hành hương của hy vọng’. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng niềm hy vọng chính là ngọn lửa cần được thắp sáng trong cuộc đời mỗi tín hữu. Hy vọng không chỉ là một cảm xúc mà còn là niềm tin vào sự sống lại, vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.

Niềm hy vọng của Kitô hữu đặt trên nền tảng:

  • Tin vào sự sống lại nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
  • Tin rằng Chúa luôn đồng hành với chúng ta: ‘Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.’
  • Tin vào lời của Chúa: ‘Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.’
  • Tin rằng tình yêu sẽ chiến thắng, sự thiện sẽ chiến thắng sự ác.

Hành hương trong Năm Thánh là một hành trình thiêng liêng giúp mỗi tín hữu canh tân đời sống đức tin, hòa giải với Thiên Chúa, với anh chị em và với mọi thụ tạo.”

Hành hương: hành trình biến đổi tâm hồn

“Đời sống Kitô hữu là một cuộc hành hương tiến về quê hương Thiên quốc. Vì vậy, hành hương không chỉ là một chuyến đi, mà là một hành trình cầu nguyện, tìm kiếm và khao khát sự biến đổi để về được quê trời.

Sự biến đổi này cụ thể hóa qua việc:

  • Hòa giải với Thiên Chúa, với anh chị em, và với mọi thụ tạo.
  • Sống Năm Thánh như một Năm Hòa Giải, một dịp để gặp gỡ Chúa và thắt chặt tình thân với cộng đồng.
  • Đón nhận sự hướng dẫn từ Đức Tổng Giám mục và các linh mục để thực hiện kim chỉ nam cho đời sống đức tin.

Hành hương Năm Thánh không chỉ dừng lại ở việc di chuyển, mà còn là hành trình nội tâm để đổi mới bản thân, trở nên những chứng nhân của niềm hy vọng. Ước mong rằng ngày hành hương này sẽ giúp mỗi người cảm nhận được sức sống mới trong đức tin và nhận ra những gì Chúa muốn gửi đến cho mình.”

HUẤN TỪ CỦA ĐỨC TGM GIUSE

Đức Tổng Giám Mục bày tỏ niềm vui khi lần đầu tiên có dịp gặp gỡ các hội đoàn trong Tổng Giáo Phận (TGP) Sài Gòn. Ngài nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hội đoàn, gồm 32 đoàn thể chính thức và nhiều nhóm hoạt động khác. Đây là cơ hội để đại diện các đoàn thể cùng nhau học hỏi, chia sẻ và truyền đạt lại tinh thần cho các thành viên.

Ngài đã nhắn nhủ các Hội đoàn một số điều:

Mục đích của các Hội đoàn

Các hội đoàn Công Giáo có hai mục tiêu chính:

  • Thánh hóa bản thân, sống đời sống nội tâm, kết hiệp với Chúa.
  • Thực hiện sứ vụ tông đồ, đem Tin Mừng đến với tha nhân.

Ngài nhắc nhở rằng việc loan báo Tin Mừng không chỉ là hành động bên ngoài mà còn phải gắn liền với đời sống nội tâm sâu sắc.

Ba nhóm Hội đoàn chính

  • Nhóm Đạo Đức: Gồm các hội đoàn có tinh thần tôn sùng Chúa và các Thánh, như Hội Kinh Mân Côi, Lòng Chúa Thương Xót, Legio Mariae, Dòng Ba Đa Minh, Dòng Ba Phanxicô,… Những đoàn thể này tuy mang tính cầu nguyện nhưng cũng hướng đến sứ vụ tông đồ.
  • Nhóm Công Giáo Tiến Hành: Xuất hiện từ thế kỷ 19 khi xã hội thay đổi, giúp giáo dân dấn thân trong môi trường sống của mình. Các hội đoàn thuộc nhóm này gồm Giới Trẻ, Gia Trưởng, Hiền Mẫu, Thiếu Nhi Thánh Thể, Trí Thức Công Giáo, Y Bác Sĩ Công Giáo, Doanh Nhân Công Giáo,…
  • Nhóm Đặc Sủng Mới: Hình thành từ thế kỷ 20 dưới tác động của Chúa Thánh Thần, như Phong trào Canh tân đặc sủng, Cộng đoàn Tám Mối Phúc Thật, Con Đường Tân Dự Tòng, Tàu Noe… Các phong trào này đem lại luồng sinh khí mới cho Giáo Hội.

Điều kiện để trở thành Hội đoàn Công Giáo

Các điều kiện để trở thành Hội đoàn Công Giáo gồm có: Nền tảng thần học vững chắc, Hiệp thông trong Giáo Hội, Thánh hóa bản thân và Thi hành sứ vụ tông đồ.

Nền tảng thần học vững chắc

“Một đoàn thể Công Giáo đúng nghĩa phải có nền tảng thần học vững chắc, gắn liền với đức tin của Giáo Hội và Lời Chúa. Đức tin này không thể chỉ chọn lọc một vài câu Kinh Thánh theo ý thích, mà phải dựa trên toàn bộ hệ thống giáo lý, thần học tín lý và luân lý của Giáo Hội.

Sự sùng kính Đức Mẹ, các Thánh phải hài hòa với lòng tôn thờ Thiên Chúa. Nếu đặt Đức Mẹ lên trên Chúa là sai, vì Công Giáo lấy Chúa làm trung tâm, Đức Mẹ và các Thánh có vai trò phù hợp trong hệ thống đức tin. Mọi sự phải có trật tự, cân bằng, tránh cực đoan.

Hiệp thông trong Giáo Hội

Một đoàn thể Công Giáo phải có sự hiệp thông, không thể hoạt động tự do tùy ý. Ban đầu có thể hình thành từ sáng kiến cá nhân, nhưng khi phát triển, cần có hiến pháp, nội quy rõ ràng và được Giáo Hội công nhận. Ở cấp địa phương, đoàn thể cần sự phê chuẩn của Giám mục, nếu hoạt động ở tầm quốc tế, phải có sự chấp thuận từ Tòa Thánh.

Hiệp thông cũng có nghĩa là vâng phục quyền bính trong Giáo Hội. Đoàn thể phải tôn trọng Giám mục, linh mục quản xứ, không thể hoạt động độc lập hoặc coi thường các vị này. Nếu một đoàn thể gây chia rẽ, mất bình an, thì đó không phải là công việc của Chúa mà là của ma quỷ.

Nội bộ đoàn thể cần đoàn kết, tránh phe nhóm, tranh chấp, nói hành nói xấu nhau. Nếu đoàn thể nào liên tục lục đục, không ai muốn tham gia, thì làm sao có thể làm chứng cho Tin Mừng. Một cộng đoàn chia rẽ chính là rào cản lớn nhất đối với việc loan báo Tin Mừng.

Thánh hóa bản thân

Mục tiêu của một đoàn thể Công Giáo không chỉ là tổ chức các hoạt động, mà còn giúp mỗi thành viên nên thánh. Muốn vậy, trước hết cần củng cố đời sống nội tâm. Một đoàn thể có nhiều hoạt động nhưng thiếu đời sống thiêng liêng thì chỉ là hình thức bên ngoài.

Có hai điều quan trọng nhưng giáo dân thường thiếu:

Cầu nguyện với Lời Chúa – Không chỉ đọc Lời Chúa mà còn phải để Lời Chúa thấm vào tâm hồn, hướng dẫn đời sống.

Chầu Thánh Thể Ngoài việc tham dự Thánh Lễ, cần dành thời gian thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhiều người rất sốt sắng trong các hoạt động đạo đức nhưng lại không quen chầu Thánh Thể riêng, không quen cầu nguyện cá nhân với Chúa.

Khi thiếu hai điều này, đời sống tâm linh dễ trở nên hời hợt, không thể phát triển mạnh mẽ.

Thi hành sứ vụ tông đồ

Mỗi Kitô hữu không chỉ sống đạo mà còn phải đem Tin Mừng ra thế giới. Đoàn thể không chỉ lo tổ chức lễ lạc hay lần hạt, mà phải có tinh thần truyền giáo. Truyền giáo không chỉ là đi giảng dạy, mà có thể thực hiện qua hành động, qua việc giúp đỡ người nghèo, cầu nguyện cho người tội lỗi.

Các đoàn thể phải có kế hoạch mục vụ cụ thể, không thể chỉ chăm lo cho nội bộ mà bỏ quên sứ mạng ra đi.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh: ‘Hội Thánh không thể thụ động, không thể chỉ ngồi trong nhà thờ và chờ đợi, mà cần phải chuyển đổi từ một mục vụ bảo tồn sang một mục vụ truyền giáo.’

Chúa Giêsu không ở yên một chỗ, Ngài luôn ra đi để rao giảng Tin Mừng. Giáo Hội cũng phải làm như vậy, đến với những người nghèo, những người đau khổ, những người bị bỏ rơi, những người chưa biết Chúa. Đó là sứ mạng quan trọng nhất.

Những căn bệnh của các Đoàn thể Công Giáo

Muốn phát triển, các đoàn thể Công Giáo cần nhìn lại chính mình và sửa đổi những thiếu sót. Một số vấn đề phổ biến:

Bệnh lười biếng, an phận: Thái độ thụ động, không dám dấn thân, không muốn gánh trách nhiệm, chỉ làm tối thiểu, không có nhiệt huyết.

Bệnh hình thức: Quá chú trọng nghi lễ, truyền thống cũ mà không dám đổi mới, không thu hút được giới trẻ.

Bệnh cá nhân chủ nghĩa: Chỉ lo giữ vị trí của mình, thích quyền lực, thích chỉ trích nhưng không chịu làm việc chung.

Bệnh phô trương: Làm việc bác ái nhưng muốn được ca ngợi, muốn được đăng báo, lên mạng xã hội.

Bệnh chia rẽ: Phe phái, đố kỵ, sử dụng mạng xã hội để công kích nhau thay vì xây dựng đoàn thể.

Những căn bệnh này khiến các đoàn thể yếu đi, mất sức sống, không thể thu hút người khác và không làm chứng được cho Tin Mừng.”

CHIA SẺ CẢM NGHIỆM

Sau huấn từ của Đức TGM, Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng – Trưởng Ban Giáo dân – đã mời gọi quý chức đóng góp ý kiến về hoạt động bác ái và loan báo Tin Mừng. Đức Tổng nhấn mạnh:

“Mỗi đoàn thể có đặc sủng riêng, nhưng tất cả đều quy về một mục đích: sống đức tin và chia sẻ Tin Mừng.”

Buổi gặp gỡ không chỉ là dịp lắng nghe định hướng mục vụ mà còn để các hội đoàn chia sẻ những kinh nghiệm thực tế.

Chứng nhân giữa đời

Đại diện Legio Mariae khẳng định linh đạo của hội là noi gương Mẹ Maria, mang Chúa đến với mọi người trong sự khiêm nhường: “Chúng con không cậy vào sức mình, chỉ làm theo sự hướng dẫn của Chúa.”

Chị Têrêsa Maria Nguyễn Thị Hường xúc động chia sẻ câu chuyện về hai người con đã qua đời khi còn nhỏ, băn khoăn về ơn cứu độ dành cho các em. Chị cũng nêu lên thực trạng thiếu bác ái trong đời sống giáo xứ:

“Có những hàng ghế trống, nhưng người già lại phải ngồi ngoài. Chúng ta có thực sự sống đức tin không?”

Chị Nguyễn Ngọc Thu kể về kinh nghiệm truyền giáo đơn sơ nhưng hiệu quả: giúp đỡ một người bán vé số, hướng dẫn một người lương dân cầu nguyện với Chúa Giêsu.

Những trăn trở và hướng đi mới

Một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại về thái độ thiếu tôn kính Thánh Thể trong nhà thờ, cần được nhắc nhở. Trong khi đó, đại diện Hiệp Hội Thánh Mẫu nhìn nhận:

“Chúng con đã làm nhiều việc bác ái nhưng chưa thực sự mang Chúa đến cho mọi người. Chúng con cần đổi mới.”

Linh mục Giuse Maria Lê Quốc Thăng đã cảm ơn các ý kiến và nhấn mạnh: Muốn loan báo Tin Mừng, trước hết phải có Tin Mừng trong lòng. Nếu không có Chúa, đi ra là đi luôn. Để có Chúa, cần suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện và chầu Thánh Thể. Phải đi vào nội tâm để gặp Chúa, lắng nghe và thực thi Thánh ý Ngài.

Ngài cảnh báo: Giáo dân Việt Nam đạo đức nhưng đang “bội thực Ơn Toàn Xá, béo phì ân sủng, suy dinh dưỡng Lời Chúa.” Năm Thánh không chỉ là nhận Ơn Toàn Xá, mà còn là sống niềm hy vọng, làm chứng nhân cho Đức Kitô. Nếu thiếu Chúa, thiếu Lời Ngài, ta không thể rao giảng Tin Mừng. Vì thế, Đức Tổng nhấn mạnh: “Hãy yêu mến Lời Chúa, kết hiệp với Ngài và thực thi lời Ngài.”

GIẢI TỘI

Kế tiếp, trong giờ giải lao, có các linh mục ngồi tại các tòa giải tội xung quanh nhà thờ, giúp khách hành hương đón nhận ơn giao hòa với Thiên Chúa.

CHẦU THÁNH THỂ

Cuối cùng là giờ chầu Thánh Thể. Sau phép lành Thánh Thể, ngày hành hương đã kết thúc lúc 11g20.

Bài: Xuân Đại & Ảnh: Quang Hoàng (TGPSG)

 

Tin Giáo Xứ

Tin Gp. Bùi Chu

Tin Giáo hội Việt Nam

Tin Giáo hội Hoàn Vũ