Giới thiệu chung​

GIỚI THIỆU HỘI KÈN ĐỒNG GIÁO XỨ XUÂN DỤC

Lịch sử hình thành

Hội Kèn Đồng giáo xứ Xuân Dục được thành lập hội từ năm 1924 do các cụ trùm Ngọ, cụ cai Toàn khởi xướng tạo dụng. Bước đầu thành lập gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là về kinh tế. Các cụ đã tập hợp các anh em có hào hứng nhiệt tình, cùng nhau đi làm khoán hết công việc này đến việc khác nhằm tạo nên nguồn vốn ban đầu của Hội. Khi có vốn hội sắm những cây kèn mới và nhờ thầy về dạy cho các thành viên.

   Hội kèn Đồng là một trong những hội được thành lập sớm của Giáo xứ Xuân Dục, các xứ lân cận chưa mấy xứ có nên việc tìm hiểu thăm dò, học hỏi kinh nghiệm rất vất vả. Nhưng với lòng nhiệt thành quyết tâm hội đã đạt được thành quả ban đầu, và được tất cả mọi người trong Giáo xứ rất hoan nghênh và ủng hộ. Hội đã có số vốn mua được mẫu ruộng tư điền để có thể trợ cấp cho các thành viên gặp khó khăn, làm vốn duy trì hội, số ruộng đó sau này khi cải cách ruộng đất thì phải đưa vào Hợp tác xã nông nghiệp.  Với nỗ lực không mệt mỏi, số nhạc cụ ban đầu của hội gồm có: bốn chiếc kèn le-rông, bốn chiếc sáo gỗ, hai chiếc pit-tong cooc lê, một kèn an-tô, một kèn baritong, trống phần nhất, phần nhỉ mỗi loại một chiếc, xiêng-ban một chiếc.

Khi hội đã bước đầu trưởng thành về số hội viên và nhạc cụ, các thành viên hội đã trưởng thành, nhạc lý nhiều  người đã thông thạo nên trong hội tự huấn luyện cho nhau không phải thuê người huấn luyện. Đến giờ hội chỉ nhờ thầy bồi dưỡng nâng cao cho những kỹ thuật khó về nhạc lý, kỹ thuật sử dụng nhạc cụ. Nhờ cơ duyên và tình yêu kèn đồng hội đã mời được cụ Đinh ngọc Liên và ông Trần văn Trụ là giảng viên ở Đoàn Quân nhạc Trung ương Về bồi dưỡng nhờ đó kỹ thuật được nâng cao. Các bài kèn phối của các thầy đến thế hệ ngày nay vẫn được sử dụng, cho thấy được giá trị nghệ thuật âm nhạc, những bản phối đó giờ đã trở thành một tài sản vô giá của hội từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Về đồng phục của hội thời đó bước đầu đồng phục chỉ có quốc phục mà thôi, áo chung khăn xếp. Những giai đoạn sau, theo thời đại may đồng phục mỗi giai đoạn lại may quần áo mới cho hợp với từng giai đoạn và từng mùa. Nhạc cu mỗi ngày lại mua sắm thêm nhiều loại đặc biệt và đắt tiền.

 

Gần một thế kỷ trôi qua, hội đã có nhiều dấu mốc chói lọi trong lịch sử phát triển của mình như:

  • Ngày 2/9/1993: Hội tham gia liên hoan các đội kèn mạnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ được tổ chức tại thành phố Nam Định và đã giành giải nhất.
  • Ngày 7/5/1994: Hội tham gia liên hoan nhạc kèn toàn quốc, do Bộ văn hóa thông tin tổ chức tại thủ đô Hà Nội, hội đã đạt giải Nhì (sau đoàn quân nhạc Trung Ương)
  • – Ngày 15/8/2012: Đại lễ Đức Maria hồn xác lên trời, Giáo hội Việt Nam đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường đang kính mẹ La Vang tại thánh địa La Vang (Quảng Trị). Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã mời hội phục vụ thánh lễ trong thể này.

Ngoài những thành tích trên, hội còn được giáo phận ưu ái mới phục vụ nhiều cuộc lễ và nhiều biến cố quan trọng trong Giáo phận. 

Trải qua 98 năm thành lập và phát triển, đến nay hội đã có hơn 200 thành viên, hàng trăm loại nhạc cụ thuộc 17 loại khác nhau, dưới sự dẫn dắt của 11 vị trưởng hội:

1. Cụ Vinh Sơn Toàn

2. Cụ Vinh Sơn Ngọ

3. Cụ Vinh Sơn Diệm

4. Cụ Vinh Sơn Ruyên

5. Cụ Vinh Sơn Khắc

6. Cụ Vinh Sơn Thể

7. Cụ Vinh Sơn Giang

8. Cụ Vinh Sơn Hạ

9. Ông Vinh Sơn Hoài

10. Ông Vinh Sơn San

11. Và hiện tại là ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Tín.

Tình hình hiện tại

Nhờ sự hy sinh cố gắng của các thệ hệ của hội đi trước, đến nay Hội Kèn Đồng là một trong những hội phát triển đi đầu của Giáo xứ Xuân Dục. Các dịp lễ lớn, những sự kiện lớn của Giáo xứ, hội đều sinh hoạt tập luyệt từ rất sớm, sự chỉnh chu đó đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của các dịp lễ lớn. Nhờ đó tạo được tiếng vang, hội còn được nhiều lần vinh dự phục vụ các dịp lễ lớn của Giáo phận.

Hiện nay hội có khoảng hơn 200 thành viên, tất cả đều là nam giới vẫn còn sinh hoạt, cùng hàng trăm nhạc cụ thuộc nhiều bè khác nhau. Các thành viên đều nắm chắc nhạc lý, thành thạo nhạc cụ của mình. Hàng năm Hội mở lớp tuyển thành viên mới, đào tạo bài bản từ nhạc lý, đến nhạc cụ. Thành viên trong hội đi làm ăn xa nhà còn thành lập hội kèn xa quê Xuân Dục, phục vụ tại các giáo xứ trên địa bàn Hà Nội, Quang Ninh…

 Hội nhận Thánh Vinh Sơn làm quan thầy hội, mừng kính thánh quan thầy vào ngày 5-4 hàng năm.