Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40)

 

BÀI ĐỌC I (năm II): Kh 11, 4-12

“Hai vị tiên tri ấy đã làm cho dân trên hoàn cầu chịu nhiều khổ cực”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Có lời phán cùng tôi là Gioan rằng: “Hai chứng tá của Ta là hai cây ôliu và hai cây đèn đặt trước mặt Chúa Tể địa cầu. Và nếu ai toan hãm hại các ngài, thì sẽ có lửa từ miệng các ngài phun ra tiêu diệt các địch thù; ai toan làm hại các ngài thì chính kẻ ấy phải bị giết như vậy. Các ngài có quyền đóng cửa trời, khiến trời không mưa trong những ngày các ngài nói tiên tri. Các ngài lại có quyền biến nước thành máu, và gieo tai hoạ cho trần gian bất cứ lúc nào tùy ý. Và khi các ngài đã hoàn tất nhiệm vụ chứng tá rồi, thì con mãnh thú từ vực thẳm lên sẽ giao chiến với các ngài, nó sẽ thắng và giết chết các ngài. Thi thể các ngài sẽ bị bêu nơi công trường của Thành lớn, gọi cách bóng bảy là Sôđôma và Ai-cập, là nơi Chúa các ngài đã bị đóng đinh. Thiên hạ thuộc mọi chi tộc, mọi dân, mọi nước, và mọi ngôn ngữ, đã xem thấy thi thể các ngài trong ba ngày rưỡi, và người ta không để cho thi thể các ngài được chôn cất trong mộ. Dân chúng trên khắp mặt đất sẽ vui mừng vì cái chết của các ngài và hoan hỉ tặng quà cho nhau, vì hai vị tiên tri ấy đã từng làm cho họ chịu nhiều khổ cực. Nhưng sau ba ngày rưỡi, (sinh khí từ) Thiên Chúa nhập vào các ngài. Và các ngài đứng dậy, khiến cho những người trông thấy phải khiếp sợ. Rồi các ngài nghe có tiếng vang lớn từ trời phán cùng các ngài rằng: ‘Hãy lên đây’. Các ngài liền lên trời, trong đám mây trước mắt các địch thù của các ngài.

Chính lúc đó đất chuyển động dữ dội, và một phần mười của thành thị bị sụp đổ, làm bảy ngàn người thiệt mạng trong cơn động đất ấy. Còn các người sống sót thì kính sợ và cao rao vinh danh Ðức Chúa Trời”.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 143, 1. 2. 9-10

Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).

Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến. 

Xướng: Chúa là tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu; Ngài bắt chư dân phải khuất phục con. 

Xướng: Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới; với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ðavít là tôi tớ của Ngài.

 

Tin mừng: Lc 20, 27-40

27 Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, 28 đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. 29 Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. 30 Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. 31 Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. 32 Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. 33 Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ ?”

34 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; 36 họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. 37 Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. 38 Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa”.

39 Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm”. 40 Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Cuộc sống mai hậu mở ra cho con người một khung trời mới: con người sẽ chan hòa trong một tình yêu thiêng liêng siêu việt, vượt lên trên giới hạn của mọi thứ tình trần thế.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã làm người và đã có những mối giây thân tình của loài người: tình gia đình, tình thầy trò, tình bằng hữu, tình quê hương… Những dịu ngọt của tình yêu thế trần là điều tốt đẹp. Tuy thế, Chúa cũng đã thấy giới hạn của nó: đã có những người đồng hương đòi ném đá Chúa, đã có Giuđa bán Chúa ba mươi đồng bạc. Chúa muốn thăng hoa những mối tình loài người để con người đạt tới niềm vui trọn vẹn. Chúa dạy con cách mặc cho tình yêu nhân loại một chiếc áo siêu nhiên: đó là mến thương nhau vì Chúa.

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay mở ra cho con niềm hy vọng cuộc sống mai sau. Hôm nay, con đang vui với bao tình cảm trên đời để có được một hạnh phúc tương đối, nhưng mai sau nơi Thiên quốc, con sẽ đạt tới hạnh phúc vững bền trọn vẹn trong mối tình thiêng liêng trường cửu. Nơi cuộc sống mai sau, các giới hạn cha con, vợ chồng, bạn bè thân thích… đều được phá vỡ để con được thưởng nếm tình yêu Chúa và tình bác ái đại đồng.

Lạy Chúa, trong cuộc sống hôm nay, xin Chúa giúp con vì Chúa mà thương cha mẹ, vì Chúa mà thương con cái, vì Chúa mà vợ chồng thương nhau, vì Chúa mà thương cả người xa lạ, thậm chí vì Chúa mà thương cả kẻ thù. Con cố gắng sống như vậy để tập sống cảnh thiên đàng trong tình yêu thương chan hòa. Amen.

Ghi nhớ: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống”.

 

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Kẻ chết sống lại (Lc 20,27-40)

  1. Nhóm luật sĩ và biệt phái tin có sự sống lại, còn nhóm Sađốc thì không. Mặc dầu nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy: ở đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như ở đời này. Nhưng Đức Giêsu đã mạc khải cho họ có sự sống lại và cách thức sống cuộc sống đời sau. Ngài cho thấy cuộc sống ấy không còn giống như ở đời này, không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian. Trái lại, cuộc sống của người công chính khi phục sinh sẽ được thần thiêng hoá như đời sống của các thiên thần.
  2. Hôm nay, nhóm Sađốc đã đứng lên để bàn mưu tính kế nhằm hại Đức Giêsu. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại. Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giêsu và yêu cầu Ngài trả lời: theo luật Maisen, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình để có con nối dõi. Vậy cả 7 anh em nhà kia lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết. Vấn đề đặt ra là: khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó?
  3. Để trả lời cho họ, Đức Giêsu trưng dẫn sách Ngũ kinh như ông Maisen đã gọi: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”. Thiên Chúa là sự sống. Ngài ban và duy trì sự sống ngay cả sau khi chết.

Đức Giêsu luôn luôn từ chối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng người đứng trên phương diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sađốc đặt ra là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng hạnh phúc đời sau” và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được sống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa.

  1. Đức Giêsu còn trả lời thêm cho biết trật tự, cách tổ chức, cách thế hiện hữu của cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này, để áp dụng vào việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ, phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải cưới vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng Hằng Hữu. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước trời như các thiên thần, được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa (Hiền Lâm).
  2. Nói chung, trên mọi bình diện, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn con người, thì không thể nào dẫn dắt đến sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại. Đức Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ vì sự thật có sự sống lại, nhưng Chúa không giải thích cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào và cũng không nói về thời gian khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể là hai câu hỏi như thế nào và vào lúc nào là hai điều không quan trọng cho ơn cứu rỗi, nên Đức Giêsu đã không giải thích, không mặc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời quả quyết suông của Chúa mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại của Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô Phục sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống lại và sự sống đời đời (R. Veritas).
  3. Tất cả cuộc sống chúng ta đều xây dựng trên niềm tin vào sự sống lại của Đức Giêsu và sự sống mai hậu. Tất cả những nỗ lực xây dựng công bằng bác ái của chúng ta chỉ có ý nghĩa là bởi vì chúng ta tin vào cuộc sống vĩnh cửu và sự sống lại.
  4. Truyện: Kinh nghiệm cận tử

Mấy năm gần đây, một số bác sĩ Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:

– Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.

– Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).

Tin Giáo Xứ

Tin Gp. Bùi Chu

Tin Giáo hội Việt Nam

Tin Giáo hội Hoàn Vũ