4. Từ Ấp Lên Xã

TỪ ẤP LÊN XÃ

Nhân dân Xuân Dục là công giáo toàn tòng, nên có nhiều sự việc liên kết giữa tôn giáo và xã hội. Lập ấp 1813, sau 60 năm nhân dân đã đông, được nhà nước đưa lên thành xã niên hiệu Tự Đức thứ 26 năm 1873 ( Quý Dậu) . Trước, còn là ấp nên chỉ có ấp trưởng,  ấp phó điều hành công việc trong ấp là đủ, nay đã là xã thì tổ chức lãnh đạo gồm có:

  1. Lý trưởng: là người do dân bầu, song thường là người thuộc dòng họ có uy tín, thế lực nhất trong làng. Mọi trách nhiệm và quyền hành trong xã, nằm trong tay Lý Trưởng.
  2. Phó Lý: sau Lý Trưởng là phó Lý, giúp việc cho Lý Trưởng, đặc trách việc an ninh trong xã.
  3. Trưởng Bạ: là người chuyên lo ghi chép ruộng đất trong xã. Trưởng bạ do các quan viên bầu ra, biết giải quyết những tranh chấp nhỏ về ruộng đất. Trưởng bạ không có kỳ hạn như Lý trưởng và Phó Lý mà nếu làm việc cẩn thận thì được kéo dài nhiệm kỳ.
  4. Thư ký hộ Lai có trách nhiệm lập giấy khai sinh, khai tử, giấy giá thú theo dõi dân đinh trong làng.
  5. Tương Tuần: do hội đồng kỳ mục chọn, kết hợp với phó Lý lo việc an ninh trong xã. Giúp Tương Tuần là một số tuần đinh trai tráng khoẻ mạnh, ngày đêm canh phòng trộm cướp, khi có sự việc xảy ra thường thổi tù và báo hiệu ( tù và làm bằng ngà trâu) tuần đinh xỏ quai vào đeo ,thổi để báo hiệu; lúc có biến động trộm cướp thì thổi rúc lên tý u tu, tý u tu)  Hơn nữa, mỗi làng thường cử một người có địa vị cao nhất gọi là Tiên Chỉ, xét về vị trí tinh thần thì Tiên Chỉ có địa vị cao nhất trong  xã, nhưng trên thực tế điều hành và giải quyết mọi việc trong xã là do Lý Trưởng.

Thù lao các chức dịch trong làng như Lý Trưởng, Lý Phó: làng trích một số ruộng công điền một mẫu hay hơn kém còn phụ thuộc ở chức vụ to nhỏ, còn Tương Tuần và Tuần Đinh thì thu lúa theo mỗi sào ruộng ngoài đồng, khoảng một gồi lúa ( Gồi lúa khi đó gặt bằng hái cắt lưng chừng cây lúa, bận các gốc rạ lại rồi đặt lên trên cú ba tay lúa là một gồi, tương đương bằng 1kg thóc). Những người nơi khác đến cấy phải nộp gấp hai. Vị  Lý Trưởng đầu tiên của Xuân Dục là cụ Chỉ Dực, sau lại làm tiên chỉ nên gọi là cụ chỉ Dực, con cụ Trưởng Trang.

Đình làng: Khi đã thành lập xã rồi, thường xuyên phải họp để điều hành công việc trong xã, nên đình làng là cần thiết. Ngôi đình đầu tiên do bà Hậu Thiệu cúng, toạ lạc trên khu đất phía nam làng, phía đông Chợ Ấp. Qua dòng thời gian, ngôi đình không đáp ứng nhu cầu. Đến thời ông Cựu Khoan làm Lý Trưởng, làm ngôi đình thứ 2 ( 1925) toàn bằng gỗ lim lợp ngói rất khang trang, đến năm 1957 đưa về làm nhà quán ở phía nam cuối nhà thờ đến năm 1993, khi xây nhà thờ 1997 nên đã hạ giải.

          Bốn Giáp và Đình Giáp: Khi dân số đã đông, công việc nhiều, tập thể làng xã không thể giải quyết hết được nên đã phân ra giáp. Giáp thường phân ra theo dòng họ và khu vực, làng được chia thành 4 giáp như sau:

  1. Nhân Nghĩa Giáp
  2. Lễ Trí Giáp
  3. Trung Tín Giáp
  4. Kế Thiện Giáp

Mỗi giáp bầu 1 vị cai giáp là người đứng đầu điều hành công việc trong giáp. Như trong giáp có người qua đời thì nhà héo khất giáp, giáp sẽ cắt cử những trai tráng về đình tập trung và phân công đến nhà héo phục vụ công việc hành táng và chôn cất. Nhà héo có lễ tạ. Trong giáp còn chia ra phe để nhà héo nào không đủ điều kiện khất giáp thì khất phe.

Hàng năm cứ ngày mùng 2 tết Nguyên Đán, tất cả quan viên và bà con trong giáp ra đình khai xuân ( còn gọi là xông đình) chúc tuổi nhau rồi về nhà ông cai giáp chúc tuổi gia đình.

Đình giáp còn là điểm xuất phát các cuộc rước hoa trong tháng hoa Đức Mẹ. Hàng năm đến tháng dâng hoa Đức Mẹ, bắt đầu từ chiều thứ 7 tuần thứ nhất thì giáp Nhân Nghĩa nhận trách nhiệm rước hoa. Quan viên mặc áo thụng xanh, nữ lưu mặc áo đỏ đội nón quai thao, đi dép cong, chân cờ kiệu đều do giáp đảm nhận. Bà con trong xứ tập trung tại đình giáp để rược kiệu về nhà thờ dâng hoa kính đức Mẹ. Các buổi dâng hoa trong tuần đó cũng do giáp đảm nhận.

Mỗi giáp đều có một hội đồng nữ, cử một bà gọi là bà trương, lãnh đạo dạy kinh, tập ngắm lễ, dâng hoa. Trong ngắm lễ thì có mùa mừng, mùa át, mùa thương, khi thầy cả làm lễ tới đâu thì ngắm tới đó, giúp giáo dân dễ suy ngắm vì bấy giờ thánh lễ dùng tiếng La Tinh.

Các đồng nữ giáp thay nhau chịu trách nhiệm nguyện và xướng kinh, trong những giờ phụng vụ, thay phiên nhau mỗi giáp một tuần từ thứ 2 đến chủ nhật cứ thế quanh năm. Mỗi giáp đều có một ngôi đình và là một ngôi nhà bên cạnh cử người  trông coi.

Đình giáp Nhân Nghĩa ở việt tây, phía may cuối dong thứ 5 nay là nhà anh Huy.

Đình giáp Lễ Trí ở việt đông áp sông giữa cạnh cầu đá đầu làng nay là nhà anh Phiêu.

Đình giáp Trung Tín ở việt đông dong thứ 6 cuối làng nay là nhà anh Thinh.

Đình giáp Kế Thiện xây năm 1915 ở phỉa tây bắc làng áp sông Dóng cạnh cổng làng có đường thuỷ qua lại, có hàng cây bàng cổ thụ, bến đá thênh thang, là khu đầu làng nên người qua lại rất đông vui. Người ra đồng cày cấy về bến đá rửa chân  người từ thôn An Ninh, thôn Hùng Mỹ, Phạm Rỵ ( nay thuộc xã Hải Trung ) đi Chợ Ấp Xuân Dục có nghề dệt chiếu, thuyền bè chuyển vận chiếu cói, mua bán cói tấp lập trên bến dưới thuyền, xuất đi các nơi nhất là thời gian làm chiếu cho Pháp  thường gọi là chiếu Tây rồi đưa cói các nơi về bán. Đình Giáp Kế Thiện nay là nhà anh Ân.

Tiếp Theo: Bắt Đầu nghề dệt chiếu

  • 71.856