VĂN HÓA, PHONG TỤC TẬP QUÁN

Mỗi quốc gia đều có luật pháp để điều hành đất nước, bảo vệ cho dân được an cư lạc nghiệp.

          Mỗi dân tộc, mỗi địa phương có văn hoá tập quán riêng. Ngạn ngữ có câu “ Lệnh vua thua lệ làng”, những tập quán sinh hoạt như ma chay, cưới xin, giỗ, tết đã được nhân dân giao ước để mọi người tuân theo, cổ vũ những tập quán tốt, những việc làm hữu ích cho mọi người, ngăn ngừa những thói hư tật xấu, bày vẽ rườm rà lãng phí tiền của và công sức cho nhân dân, có khen thưởng cũng như tuy cứu những người sai phạm

Xuân Dục nghề chính là nông nhiệp. Những vị chức sắc trong làng luôn động viên cho mọi người cày cấy, chăm bón lúa mạ, hoa mầu, mùa màng đúng thời vụ để có những vụ chiêm mùa bội thu, không để đất đai hoang hoá.

          Bởi thế hằng năm, hai vụ chiêm mùa có lễ hạ điền. Lễ hạ điền tổ chức vào thời điểm bắt đầu vào vụ cấy cày, thường được diễn ra như sau: chọn một thửa ruộng thuận tiện, cắm cờ ngũ sắc trên thửa ruộng, các quan viên và nhân dân tập trung tại đình làng, chiêng trống cờ biển rước ra đồng, cử hai vị chức sắc trong làng, một vị mói, một vị cấy, cấy khoảng vài giải chiếu, cấy xong trống hồi, mọi người giải tán. Sau lễ hạ điền, từ ngày hôm sau dân làng bắt tay vào vụ cấy cho kịp thời vụ.

          Vụ chiêm thường vào khoảng trước ngày Lập xuân- ngày 4 tháng 2 dương lịch. Vụ mùa khoảng tiết Tiểu thử ngày 7 tháng 7 dương lịch.

Giáo xứ nhà cứ 3 đến 5 gặp năm được mùa, dân tình no đủ, thường mở lễ Phục sinh cách trọng thể. Trong suốt tuần thánh, từ lễ Lá đến lễ Mừng, làm hai trạm hai bên và trạm lớn ở giữa để làm lễ rửa chân, làm vườn địa đàng, làm ông A Dong, bà E Và, dẫn tích tổ tông phạm tội, bày các vật lạ, con thú cây cảnh. Có năm làm trạm trên mặt hồ cuối nhà thờ, khi hồ chưa lấp, trên mặt hồ thả bèo kéo chữ, băng hoa đèn rực rỡ. Các ông cụ già tổ chức hội mõ, lấy thuyền giả làm tầu chế chạy trục dưới sôn, các xứ lân cận đến tham dự rất đông.

Chiều thứ năm, theo nghi thức Hội Thánh, trong thánh lễ có nghi thức rửa chân. Các vị được chọn làm tông đồ, mặc áo thụng xanh, mỗi vị đều có người cầm lọng xanh che, còn Cha xứ thì lọng vàng. Có ba mâm cỗ Tiệc ly, làm nhiều thứ bánh trái, có một mâm thì đặt con Chiên, con Chiên làm bằng cơm nếp mật, ngoài phủ bằng bông trắng thay long, trông rất vui mắt.

          Lại có đội quân dữ, mặt mũi hề huộc, áo thì lấy chăn quấn lôi thôi. Trẻ con, đàn bà xô nhau ra xem, rất náo nhiệt. Họ mang giáo mác, xiềng xích, lại thêm con ngựa bằng giấy, để trống giữa lưng ngựa, người chui vào rồi chạy như ngựa thật. Họ làm cỗ quan tài giả, rồi mấy người khiêng gọi là đưa ma Giu Đa chết thắt cổ. Có người đóng giả vợ Giu Đa khóc sướt mướt, người theo xem rất đông. 

Các vị làm tông đồ, quan viên mặc áo thụng xanh, các hội Kèn đồng, Trống khách, Nghĩa binh Nam tề tựu tại đình giáp Nhân nghĩa rước tượng Chúa vác thánh giá. Tại đình giáp Kế thiện, các nữ lưu mặc áo đổ. Hội Kèn Tầu, Hội Bát âm, Nghĩa binh Nữ tập trung rước tượng Đức Mẹ. Hai cuộc rước được tiến hành một lúc, đi sao cho tới cuối nhà thờ thì gặp nhau. Một người đọc sách sự thương khó Chúa ( đọc đoạn) Mẹ gặp con, sau vào nhà thờ, đọc đoạn và đóng đinh. Khi đọc đến đoạn quân dữ đóng đinh tay chân Chúa vào Thánh giá, thì có người lấy búa đóng chan chát để ta hồi tưởng cảnh rùng rợn xưa trên đồi Can Vê, rồi dựng thánh giá lên. Sau ngắm 15 sự thương khó Chúa,  ngắm xong tiếp dâng hạt rồi đọc đoạn tháo đinh. Tượng Chúa tháo khỏi Thập giá, đặt vào quan tài, rước táng xác xung quanh sông giữa, rước vào nhà thờ hay nhà quán, đã làm hang đá sẵn để giáo dân  ngày thứ bảy viếng.

Ban sáng viếng xác Chúa, chiều đi đàng Thánh giá cách trọng thể quanh sông giữa. Khi đi đàng Thánh giá có rước tượng đức Mẹ, bà thánh An Na, ông thánh Gio An. Để chuẩn bị cho cuộc rước viếng, mười bốn khu làm mười bốn trạm, mỗi trạm là một nơi thương khó Chúa, nơi thứ mười bốn thì vào tới nhà thờ. Đi đàng thánh giá xong, vào nhà thờ ngắm dấu đanh, dâng hạt.

Buổi chiều, kiệu mừng quanh sông giữa, về đến cuối nhà thờ, các đồng nữ đọc lời chào Mẹ mừng con sống lại, con chào Mẹ. Cuộc tử nạn phục sinh cứu thế đã khải hoàn. Các chân kiệu đều nhún gối bái chào, gợi cho ta niềm hân hoan Chúa Phục sinh, rồi tất cả vào nhà thờ chầu, vì thời gian đó chưa được phép làm lễ buổi chiều.

Như đã nói ở phần Phe Giáp, khi gia đình có người quá cố, thường khất Giáp, không đủ điều kiện thì khất Phe. Gia đình kinh tế khó khăn thì nhờ họ máu, tất cả anh em nội ngoại, thân bằng, khu xóm, vai khiêng, miệng khóc, đưa người thân ra nơi an nghỉ cuối cùng. Có ba mức, tuỳ hoàn cảnh gia đình, sao cho phù hợp không bó buộc, để tang gia không vì Bố Mẹ tạ thế, kinh tế có hạn mà phải cố gắng quá khả năng, đi đến chỗ nghèo túng thì không nên.

          Sách có câu “ Đương vi nhi bất vi, vi bất hiếu. Bất đương vi nhi vi, vi bất hiếu” 

( Nghĩa là: Có điều kiện làm ma cho bố mẹ đầy đủ mà không làm là bất hiếu. Song kinh tế gia đình khó khăn, mà cố làm ma cho bố mẹ, cố bằng người để đến nỗi nghèo túng thì cũng là điều bất hiếu)

          Về lễ nghi tôn giáo, chiều hôm trước Cha xứ đến nhà làm lễ Quy lăng yên xác. Sang hôm an táng, đưa linh cữu vào nhà thờ, Cha làm lễ an táng mi- sa mồ hát khi đưa xác, Cha làm lễ hành tang tới Nghĩa địa ( gọi là lễ rông đường). Cha làm phép huyệt rồi mới an táng. Trong thời gian các Cha ít qua, từng thời gian có thay đổi, tuỳ nghi từng hoàn cảnh. Chiều hôm trước, bà con giáo dân trong xứ, các hội đoàn đến viếng xác và  cầu nguyện cho người quá cố rất trang trọng. 

Về cưới hỏi, mỗi dân tộc, mỗi địa phương đều có tục lệ riêng. Có nơi, vì tục lệ cưới hỏi nặng nề, làm chàng trai cô gái không lấy được vợ, được chồng vì không có kinh tế mà theo tục lệ. Ông cha ta có tục lệ vừa phải, để nhân dân dựa theo, không bày đặt lãng phí ảnh hưởng đến kinh tế, liên quan đến hạnh phúc gia đình.        Tục lệ có các bước như sau:

          Trước đây, chưa có sự nam nữ tự tìm hiểu đến với nhau theo Nho giáo ( Nam nữ thụ thụ bất thân), lại có người trung gian gọi là bà Mối. Sau khi tin đi, tin lại hai bên nam nữ cũng như gia đình, bố mẹ đôi bên đã nhất trí.

          Bước một, gọi là có cơi trầu ngỏ lời, bằng 11 quả cau, chỉ cần một người cha bác nhà trai đưa đến nhà gái là đủ.

          Bước hai, gọi là đi cơi trầu chính, lễ vật là 31 quả cau. Nhà trai sang nhà gái chỉ vài ba người. Nhà trai, nhà gái cũng ba bốn người cha, bác. Hai bên cha, bác cùng nhau toạ đàm, chứng quả hạnh phúc trăm năm cho hai cháu và hai gia đình.

          Bước ba, là xin vào Cha xứ làm chứng. Sau làm chứng thường có người dẫn chú rể đến nhà gái, gọi là chơi nhà, từ đó chú rể mới gọi bố mẹ vợ là bố mẹ, có công việc gì thì sang giúp đỡ. Lễ chơi nhà thường bằng 10 tấm bánh su sê ( còn gọi Phu Thê) hay bánh Gai. Sau này thường đi bằng bánh khảo.

          Đến tuần đi cau bánh, đi  bao nhiêu lễ vật là do nhà gái xin. Thường 200 tấm bánh Gai, hai nghìn quả cau tươi, nhận rồi, nhà gái phải mang đi biếu cha bác họ hang các vị  đặc biệt, như ông bà nội, ngoại. Một đĩa bánh 4 tấm bánh và 10 quả cau, thứ đến là 2 tấm  5 quả cau, rồi 1 tấm 2 quả cau.  Tất cả các nghi lễ đều đi vào buổi chiều, chỉ có trầu nước thuốc Lào, không có ăn uống gì. Lại nữa, những lần nhà trai sang nhà gái xin tuần tiết gì, đều phải có chùm cau độ 10 quả gọi là cơi trầu. Thường có câu nói : “ có cơi trầu đến, xin ông bà việc này việc khác”

          Chú thích. Hai chữ Thụ đồng âm nhưng khác chữ. Chữ Thụ là cho còn chữ Thụ-thêm tài gảy bên trai là nhận.

          Những trường hợp hỏi mà chưa cưới ngay, đến những ngày lễ tết thì có lễ đến nhà  gái, như Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ ( mồng 5 tháng 5), cơm mới ( thường tân), lễ tết Đoan Ngọ thường dưa hấu, đỗ, đường. Lễ đi tết thường Tân, gạo dự, gạo tám. Đến mùa hoa quả thì mùa nào thức ấy, như mùa nhãn, mít, vải cũng có đưa sang. Song, phần nhiều nhà gái cũng chước cho nhà trai, sợ phiền hà nhận rồi lại phải biếu họ hàng. Chuẩn bị tổ chức đám cưới, hai bên đã trao đổi ngày giờ, mời gọi họ hang, đôi tân hôn đã nhận phép bí tích ở Nhà Thờ, mời cha bác, họ hàng đến dự. Khi đi đám, có mang tiền mừng. Hôm sau ngày cưới có lễ lại mặt. Lễ lại mặt chỉ một con gà luộc, một đĩa xôi, cô dâu đưa về nhà bố mẹ, không phiền hà gì.

Những người con gái đi lấy chồng phải nộp cho làng một số lệ phí, có khi bằng tiền, có nơi bằng hiện vật như nộp gạch hay đá để làng lót đường đi. Con gái cùng làng thì một phần, lấy chồng làng khác thi phải gấp đôi. Đến thời Cải Lương, mỗi dòng tộc có cử người đại diện gọi là Tộc biểu, đứng đầu Tộc biểu là Chánh hội. Khoảng năm 1930, ông chánh Cường làm chánh hội Hội đồng Tộc biểu, thấy cưới tuy có tiền song cũng tốn phí phiền hà, nên thay đổi là: khi trước, mời ăn cưới đi cả 2, ông bà  nay chỉ đi một người, chỉ mời chỗ cha bác ruột thịt thân cận nhất và không lấy tiền nữa. Mỗi đám cưới chỉ mươi  mâm, cả hai họ, không giết lợn, chỉ giết vài ba con gà hay ba bốn cân thịt là đủ. Cả đôi bên đều không lãng phí phiền hà. 

          Nhưng sau thời gian dài,, những vị kế nhiệm không nhắc nhở quan tâm, nên mỗi ngày đua đòi mở rộng ra. Suy vậy, ông cha ta rất lưu tâm đến tục lệ phong hoá. Thời gian qua đi, kinh tế, hoàn cảnh, tục lệ biến đổi, tuỳ tiện, các gia đình có điều kiện bày ra một ít rồi trông nhau theo đuổi bằng người, nhiều việc thật lãng phí không hợp với đời sống văn hoá, tinh thần, mà hoàn cảnh kinh tế nhiều gia đình còn khó khan, nó trở thành hủ tục và thành nặng nề với đa số hoàn cảnh, đồng thời không biết duy trì những cái tốt đẹp mà ông cha đã tạo lập từ ban đầu.

          Mỗi người chúng ta có bổn phận, trách nhiệm, suy nghĩ để cùng nhau xây dựng phong hoá ngày một tốt đẹp, tục lệ được văn minh, nhẹ nhàng theo từng giai đoạn.

          Đến năm 2002, thời Cha cố Vinh Sơn Đặng Ngọc Đường và ông Chánh Vinh Sơn Nguyễn Ngọc Khảng, đã xây dựng bản Quy ước về tang ma, cưới hỏi, giản tiện, phù hợp với bối cảnh giai đoạn, song cũng như cải tổ, hồi cải lương. Được thời gian, năm 2003 ông Chánh Nguyễn Tân Giả cũng có Quy ước bổ sung, song không thường xuyên nhắc nhở nên tục lệ biến đổi, tùy tiện thay đổi, mỗi ngày phức tạp thêm

VĂN HÓA GIÁO DỤC

Xuân Dục, một làng quê thanh bình yên ả, cách thành phố Nam Định khoảng 29 km về phía Nam, nổi tiếng với nghề dệt chiếu truyền thống, nhưng ít ai biết rằng ngôi làng này còn có truyền thống hiếu học từ xa xưa.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng tôi được nghe vị cao niên kể lại, những năm bắt đầu hình thành, ngôi làng nhỏ bé mới chỉ lưa thưa vài mái nhà tranh, cuộc sống còn nghèo đói lam lũ, ấy vậy mà cũng có một số người chuyên chăm học hành, lều chõng đi thi, đỗ đạt và trở thành các cụ đồ nho (như cụ Nhất Quán, cụ Đồ Hoá, cụ Đồ Thiều, cụ Đồ Hy, đồ Chí, cụ Đồ Toại, cụ Đồ Nhuận, cụ Bá Trinh..) Kể từ đó, các lớp học được mở ra ngay tại tư gia các cụ. Hàng ngày, các em trong làng được cha mẹ gửi tới các lớp học hành, từ các lớp Khai Tâm đến Tứ Thư. Không chỉ dạy cho học trò biết đọc biết viết chữ Hán Nôm, các cụ Đồ còn ân cần bảo ban con em sống đạo, biết kính Chúa, yêu người. Ngoài ra các em còn phải học cốt cách Nho giáo đó là: Hiếu, Đễ, Trung, Thứ, Tu, Tề, Trị Bình: Riêng các em nữ thì được dạy thêm về Tứ Đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

Sau khi chế độ thi khoa bảng bãi bỏ, khoảng năm 1914, phần đông mọi người chuyển sang học chữ Quốc ngữ. Cũng từ đó, con em Xuân Dục thường phải xuống làng Giáp Ba, thuộc xã Lạc Nam ( nay là xã Hải Hưng) theo học các lớp tiểu học. Để thuận tiện cho việc học hành, đi lại của các em, các cụ đã tìm một số thầy dạy, mở các lớp học tại đình làng. Cũng vào khoảng những năm 1935- 1940, thời Cha Giu Se Thuật, rồi đến Cha Gioan Kim Vũ Cao Đường, Cha Giuse Vũ Quang Nhật về coi sóc, nhận thấy nhu cầu học tập các em rất cần thiết, các Cha đã cho mở các lớp học tại Nhà xứ, nhờ đó các em có cơ hội tiếp xúc với chữ Quốc ngữ từ rất sớm.

          Nhưng thời cuốc biến chuyển, ngôi làng nhỏ bé cũng theo chung số phận khó khăn khắc nghiệt của chiến tranh, đói nghèo…việc học của các em trong làng bị gián đoạn.

 

TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC

Trong khoảng vài ba chục năm, cuộc sống người dân Xuân Dục âm thầm lặng lẽ trôi theo nhịp đan cói đều đều, ngày này qua tháng nọ. Nỗi lo cơm áo gạo tiền theo họ đan dệt lên từng mảnh chiếu. Vì một khi cái ăn cái mặc còn chưa lo nổi thì cái chữ vẫn chỉ là ước mơ mà thôi! Một vài gia đình cố gắng lắm cũng chỉ cho con cái học hết cấp hai, còn đại đa số chỉ dừng lại tiểu học, số ít không may mắn thì chấp nhận cảnh mù chữ. Thay vì được đi học có ngành nghề ổn định, người trẻ trong làng vẫn chỉ loanh quanh bên luỹ tre làng với cây cói, sợi đay. Chính cái nghèo đã ngăn cản bước chân các em vào đại học, nơi hứa hẹn cho mọi người tương lai sáng sủa hơn.Và như một chu trình khép kín, cái nghèo lại hoàn cái nghèo là vậy.

          Thể rồi, vào đầu những năm thập niên 80, trong làng bắt đầu có sự biến chuyển. Lần đầu tiên sau bao năm gián đoạn, truyền thống tốt đẹp của Xuân Dục lại được nhen nhúm bởi một vài thanh niên đã có may mắn được đi học và các trường cấp ba Giao Yến-huyện Giao Thuỷ và trường cấp ba Hải Hậu A. Đặc biệt, trong số đó đã có ba anh thi đậu các trường cao đẳng và đại học như anh Đột, anh Doanh, anh Tiến.

          Tiếp nối bước chân các bậc đàn anh, một người thanh niên tên Thất (4) sau khi đi nghĩa vụ quân sự trở về, nhận thấy học tập là chìa khoá tốt nhất để thoát nghèo và quyết tâm sắt đá, anh đã thuyết phục bố mẹ chấp thuận cho ra Hà Nội vào cuối năm 1989 để ôn thi đại học. Mặc dù gia cảnh vô cùng khó khăn, nhà đông con, nhưng cha mẹ anh đã hy sinh rất nhiều, cố gắng dành dụm chắt chiu từng đồng bạc, cân gạo để chu cấp cho anh. Không phụ công lao khó nhọc của mọi người, anh đã thi đỗ đại học tổng hợp Hà Nội 1990

          Nhưng cuộc sống của một sinh viên nghèo nơi thành thị quả thực không đơn giản. Mọi chi phí học tập, sinh hoạt đều trông nhờ vào sự trợ giúp của gia đình. Và công việc đầu tiên anh nghĩ tới là đạp xích lô. Thế rồi những ngày cuối tuần, đường phố Hà Nội thêm một anh xích lô sinh viên, miệt mài chở khách, không quản mưa nắng, sớm khuya trên những con phố tìm cách mưu sinh. May mắn thay, chính công việc này đã giúp anh trang

          4-Người thanh niên ấy chính là Linh mục Vincet Ngô Viết Lục

trải việc học và sinh sống tại thành phố này trong những tháng ngày Đại học.

          Không dừng lại ở đó, nghĩ tới những người trẻ cùng làng không có điều kiện học hành, phải rời làng bơn chải làm thuê trên bãi vàng, hay xẻ cưa nơi miền rừng núi; công việc nặng nhọc, đồng lương không cao nhưng lại nguy hiểm tính mạng bởi những tai nạn hay bệnh tật như sốt rét, dịch tả …cậu sinh viên quyết định đưa một số anh em chú bác ra Hà Nội để làm nghề đạp xích lô như mình. Ban đầu một, hai, ba người, rồi dần dần những người trẻ khác cũng nối tiếp nhau ra Hà Nội, trở thành những ” bác tài” xích lô. Và quả thực, chính nghề này đã giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập và một vài người trong số đó đã trở thành ông chủ quán cơm, cửa hàng điện nước tại Hà Nội hiện nay…

          Bước đầu tạo lập công ăn việc làm của những người trẻ Xuân Dục cũng tạm ổn. Tuy nhiên, việc học của các em trong làng vẫn là một điều băn khoăn trăn trở đối với người thanh niên ấy. Làm thế nào tạo điều kiện cho tất cả con em được đến trường học hành? làm sao để khơi gợi lại các em truyền thống hiếu học của người Xuân Dục? Năm 1993, nhằm khuyến khích, nâng đỡ các em đi học, đặc biệt những em nghèo cũng có thể đến trường mà không phải lo học phí. Cũng cần nói thêm, ban đầu quỹ khuyến học rất khiêm tốn, chỉ khoảng ba trăm ngàn đồng, do một vài người có tâm huyết ủng hộ ( 300.000 tương đương một chỉ vàng thời bấy giờ), sau đó có thêm sự đóng góp của 5 đội sản xuất, mỗi đội 100.000 đồng.Tiếp sau ban khuyến học, hội từ thiện Nhật Bản góp phần tài trợ xoá mù chũ cho khoảng 100 em trong làng. Từ đó việc học tập của các em được củng cố và quan tâm hơn.

          Đặc biệt từ năm 1995 phong trào học tập lan rộng và phát triển nhờ vào sự cộng tác của tổ chức Enfants du Mékông ( Trẻ em sông Mékông), một hội từ thiện bên Pháp đã nhận đỡ đầu cho hơn 60 em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong suốt 10 năm liền, số tiền tài trợ của hội cho con em trong làng tổng công hơn 4 tỷ đồng. Với sự giám sát của ban khuyến học gồm các thành viên.  

  • Ông Mai Đức Sinh- Trưởng ban
  • Ông Nguyễn Ngọc Khảng- Phó ban, phụ trách tài chính
  • Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó ban
  • Ông Nguyễn Ngọc Khuyến- Thư ký
  • Ông Nguyễn Văn Bảo- Ủy viên
  • Ông Nguyễn Văn Đoàn- Ủy viên
  • Ông Nguyễn Quang Huy- Ủy viên
  • Ông Phạm Văn Tuyên- Ủy viên

          Truyền thống hiếu học đang thực sự sống lại nơi làng quê nhỏ bé này, phần lớn nhờ vào quỹ khuyến học. Trong đó, phải kể đến sự nhiệt thành đóng góp công sức của các thành viên trong ban. Các vị đã đến từng gia đình, động viên phụ huynh tạo điều kiện cho con em đến trường và trực tiếp liên lạc với thầy cô giáo nhà trường, để nắm vững tình hình học tập của từng em. Mỗi dịp cuối năm, ban khuyến học đều có phần thưởng cho những em đạt kết quả tốt, mục đích khuyến khích các em cố gắng học tập tốt hơn.

          Cho tới hôm nay, Xuân Dục đã có hơn hai trăm em đã và đang theo Đại học, Cao đẳng. Đặc biệt, đã có sáu bác sỹ, hiện đang làm việc tại các bệnh viện Huyện cũng như Trung ương. Có nhiều em đã trở thành kỹ sư, giáo viên, giám đốc công ty. Ngoài ra, còn hai Linh mục đang làm việc tại Giáo phận, một Linh mục đang du học tại Pháp, ba Thầy Chủng sinh đang học tại Đại Chủng viện Hà Nội và Bùi Chu, một số Nữ tu tại Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi, Dòng Trinh Vương. Nói tới đây, chúng ta không thể không nhớ tới những người con Xuân Dục xa quê và cũng rất thành công nơi đất khách quê người như Sài Gòn (5)  hoặc miền viễn xứ xa xôi (6). Điều đó minh chứng rằng, dù sống bất cứ nơi đâu, người Xuân Dục vẫn can trường vượt qua mọi thử thách để gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông. Vâng, đó là những hoa trái mà bao thế hệ người Xuân Dục đã không quản ngại lo ươm trồng chăm sóc để gặt hái một vườn hoa trí thức hôm nay.