Xây Dựng Nhà Thờ Lần Hai

Xuân Dục Giáo Xứ Toàn Tòng

LÀM NHÀ THỜ LẦN THỨ HAI

Đến khi giáo dân đã tăng lên gần hai nghìn người, theo nhu cầu, nhà thờ cũ không đáp ứng khi giáo dân đến dự các giờ kinh lễ phụng vụ, nên cha Giêrônimô Trần Thanh Hiến nhận xứ đã cắm móng. Khi công việc chuẩn bị khởi công, cha có lệnh đổi xứ, cha về coi xứ 3 tháng.

Năm 1931 ( Tân Mùi), Bảo Đại thứ VI. cụ Vinh Sơn Mai Vũ Thành là trùm chánh, cụ Vinh Sơn Nguyễn Văn Trụ làm lý trưởng. Cha già Hoành về nhận Xứ. Ngài hô hào bà con giáo dân hưởng ứng góp của góp công bắt tay vào xây dựng nhà thờ lần thứ 2. Cụ Nguyễn Văn Trụ đương nhiệm lý trưởng làm đốc công.  Nhà thờ thiết kế theo hình thánh giá, chiều dài 32m, chiều rộng 11m, mỗi cánh thánh giá dài 5m, rộng 4m, tổng diện tích là 392m2. Nhà thờ làm bằng gỗ lim với 4 hàng cột trên chồng bò đấu rế trạm chổ công phu, tảng cột bằng đá, mỗi tảng cao 0.55m theo hình cổ bồng với những đường chỉ đẹp, mái lợp bằng ngói, mũi cẩm chướng Toà chính và bàn thờ làm bằng gỗ dổi, trạm chổ hoa lá cổ kính, sơn son thiếp vàng. Nhà thờ là biểu tượng của lòng tin, một công trình lớn.  Dân số lúc đó chưa đông, phương tiện vận chuyển thô sơ, vận chuyển nguyên liệu chủ yếu bằng thuyền, thế mà trên 40m3 gỗ lim ở Thanh Hoá đã vận chuyển về. Những tảng đá nặng nề mua từ Ninh Bình, mấy chục vạn viên gạch ngói, hàng ngàn m3 đất cát tập trung lại, đóng góp hàng chục ngàn ngày công để xây dựng ngôi thánh đường vào loại tương đối lúc bấy giờ. Ngôi thánh đường là một thành tích của ông cha ta đã đoàn kết, dũng cảm, nhiệt thành cống hiến công của để nơi thờ phượng Chúa được khang trang đẹp đẽ, làm gương cho con cháu noi theo. Nhà thờ hoàn thành năm 1933.

Năm 1934 ( Giáp Tuất ) cha Hoành đổi xứ, công ơn cha đối với giáo xứ thật to lớn.

Cha Hoành đổi xứ cha Thuật về nhận xứ. Cụ Vinh Sơn Mai Vũ Thành vẫn còn làmTrùm chánh xứ. Cơn bão ngày 24/06 ( Ất Hợi) đã làm đổ gian cuối nhà thờ và nhiều nhà giáo dân ( vẫn còn nghe cơn bão 24/06). Cha Thuật đã cùng bà con giáo dân tu sửa những hư hỏng, xây lại phần cuối. Năm 1936 cha Thuật đổi xứ. Cha Đa Minh Hiến, quê Quần Cống về thay. Cha Hiến về được một năm ( 1937), Cha Hiến đổi xứ. Cha Thuật lại tái nhiệm về coi xứ lần 2.

Lúc này ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Khanh làm trùm chánh, ông Vinh Sơn Ngô Văn Quế làm Lý trưởng. Đến năm 1940, cha Thuật đổi xứ, cha Thiện về nhận xứ. Thời gian này giáo xứ hay bị các nơi đến trộm cướp nhiều, cha triệu tập các trai tráng cho tập võ để giữ yên dân làng, nhờ đó giáo dân yên tâm làm ăn giữ đạo. Trong xứ lúc đó trên tháp có một quả chuông nam, Cha kêu gọi đúc chuông Tây, tất cả bà con giáo dân đều hưởng ứng công đức. Khi được một số tiền, cha đặt quả chuông bên Pháp, song mãi đến năm 1951 mới nhận được. Năm 1941 cha Thiện đổi xứ, cha Cảnh về thay, nhưng cha chỉ ở với giáo dân có mấy tháng rồi đổi xứ, Cha Long về thay, cha chỉ ở được ít ngày rồi bị bệnh, về Bùi Chu, Ngài qua đời tại Bùi Chu. Đến năm 1942, cha Trụ về nhận xứ, được 1 năm. Cuối năm 1943 cha Trụ đổi xứ, cha Gioan – Kim Vũ Cao Đường về nhận xứ. Khi đó cụ Vinh Sơn Nguyễn Văn Trụ làm trùm chánh. ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Thực làm lý trưởng. Quang cảnh  nhà thờ khi Cha Gioan – Kim Vũ Cao Đường về nhận xứ:

Bấy giờ đối diện cuối nhà thờ có nhà quán cư, làm cách nhà thờ khoảng 6-7 m, dài 11m, làm bằng gỗ lim, mái cong lợp ngói mũi, sau quán cư là một cái hồ nằm giữa hai bên nam bắc bằng 2 đường đi vào nhà thờ, 2 bên có hai cầu bến để tiện việc rửa chân khi trời mưa gió, ngoài đường gần 2 cây cầu bây giờ có 2 cây gạo rất to cao. Hàng năm có tổ chức các buổi rước kiệu, hội đoàn nhiều, sân lại chật không đáp ứng nhu cầu, nên cha cho lấp 2 đầu hồ, làm thêm đường kiệu thẳng tuột ra sông giữa, chuyển 2 cầu bến ra bờ sông giữa như ngày nay, còn phần giữa hồ đến năm 1957 mới lấp hết. Cha xây tường hoa phía nam ,từ đầu nhà thờ ra đến bờ sông giữa. Cha giáo Đường làm nhiều bài thơ ca cổ động ( Bài ca cổ động đúc chuông, ca sửa thánh đường, ca cầu cho người chết 1945: Ất Dậu). Ất dậu 1945 xảy ra. Thế chiến thứ II đã lan đến Việt Nam. Pháp đầu hàng phát xít Đức, Nhật đưa quân vào Đông Dương uy hiếp Pháp, gần như nắm chính quyền, bắt dân ta nhổ lúa trồng đay. Máy bay của đồng minh hàng ngày vào bắn phá các đường giao thông thuỷ bộ. chiến tranh ngày một gia tang, buôn bán giao lưu bị ách tắc, nghề dệt chiếu cho Pháp bị đình từ năm 1942. Vì khó khăn làm ăn, nên giáo dân trong xứ đã bỏ quê hương tha phương cầu thực. Đến các nơi như đồn điền Thượng Oánh (Xứ Xuân Thuỷ – Hải Hậu ). đồng ông trùm Ngọ ( xứ Xuân Hoá ). đồng Đức Cha ( xứ Xuân Đài – Hải Hậu ).

Đến nay các xứ Xuân Hoá, Xuân Đài, Xuân Phong đều có bà con gốc Xuân Dục lập nghiệp. Hàng năm ngày tuần chầu, ngày tết, đặc biệt là ngày giỗ tiền nhân bà con về quê ăn giỗ, họp mặt anh em họ hang, đọc kinh xin lễ cầu nguyện cho tiền nhân.

Bài tiếp theo:

  • 71.856